Năm 2019, Dương Bi – một di tích thuộc nền văn minh Champa được khai quật khẩn cấp.Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho di tích này mà chỉ một cuộc khai quật khẩn cấp vẫn chưa thể làm sáng tỏ. Tuy nhiên, những xuất lộ về kiến trúc, hiện vật và các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đây là một di tích mang nhiều giá trị cần được bảo vệ. Những giá trị của nó cần được nghiên cứu và nhận diện đầy đủ nhằm bảo tồn và phát huy di tích quý giá này.
Di tích Dương Bi nằm cạnh suối Đập Cây Da tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Theo kết quả điều tra năm 2019 của đoàn khảo cổ, tháp Dương Bi có nhiều tên gọi khác nhau như Chiêm Sơn, Trà Kiệu, Trà Sơn. Di tích này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nhắc đến từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như Lunet de Lajonquière (1901), Paris (1902). Trong đó các khảo tả ngắn gọn của Henri Parmentier (1909) cho biết đây là một ngôi tháp gạch và có tường bao. Tháng 4 năm 2019, cuộc khai quật khẩn cấp được tiến hành đã làm lộ phần chân tháp, lòng tháp và và các nghiên cứu ban đầu về tường bao của di tích này.
Giá trị về mặt kiến trúc và điêu khắc
Theo những kết quả khảo sát nghiên cứu (Henriparmentier; 1909, Lâm Mỹ Dung và cộng sự; 2019) cho thấy đây là khu đền Hindu khá lớn thuộc nền văn minh Champa với hai lớp tườngbao, trên tường bao bên trong có các đền thờ phụ. Ngôi đền thờ chính này có hình dạng đặc trưng của một ngôi đền Hindu Champa mà người Chăm thường gọi là kalan. Một ngôi đền có mặt bằng vuông, vật liệu gạch kết hợp đá cát, kích thước dài 12m x ngang 12m. Đền xoay về hướng Đông (ghé Bắc 15 độ). Ngôi đền chỉ còn lại phần chân với tường cao 1m62 tính từ lòng đền, trong lòng đền cho thấy nền được lát đá cát, không còn dấu vết của các bệ thờ và tượng thờ Hindu. Những gì đã xuất lộ và kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đây đã từng là khu đền Hindu tiêu biểu thuộc nền văn minh Champa.
Trang trí chân tháp Dương Bi, năm 2021, ảnh Nguyễn Văn Thọ
Mặt ngoài phần chân đền chính vẫn còn các điêu khắc, trang trí rất sắc sảo. Các đồ án trang trí và mô típ sử dụng trang trí phần chân đền là những điều đáng chú ý của công trình này. Dựa vào hình dạng kiến trúc còn lại và mô típ sử dụng trang trí thường thấy ở các ngôi đền thuộc cuối của phong cách Đồng Dương như bó hoa hình đàn thất huyền, hình sâu, hình quả trám và các lớp cánh sen. Tuy không còn nhiều nhưng nó minh chứng rất quan trọng cho một giai đoạn lịch sử phát triển của kiến trúc và điêu khắc Champa thuộc cuối phong cách Đồng Dương thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10 tại khu vực này. Trong khi đó các di tích còn lại thuộc giai đoạn này chỉ còn là những phế tích như phế tích Đồng Dương, Mỹ Sơn A10, B4.
Đền Dương Bi-Di tích kiến trúc Champa độc đáo
Việc xác định niên đại của di tích này vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Henri Parmentier (1909), ngôi đền này cùng niên đại với đền A1 Mỹ Sơn thế kỷ 10. Nhưng Lâm Mỹ Dung và cộng sự (2019) cho rằng ngôi đền này thuộc thế kỷ 9 dựa vào phong cách kiến trúc và đồ án trang trí. Qua 2 đợt khảo sát vào tháng 3 năm 2020 và tháng 7 năm 2021, bên cạnh trang trí và hình dạng kiến trúc, kỹ thuật và vật liệu cũng là yếu tố quan trọng để làm cơ sở để đoán định niên đại. Kalan Dương Bi có nhiều yếu tố kỹ thuật khá giống với đền Mỹ Sơn A1 như chất lượng gạch, cách xử lý bề mặt gạch, dùng đá lát nền vừa là làm miệng hố thiêng là những yếu tố không nhìn thấy ở các di tích thuộc phong cách Đồng Dương. Do đó, để xác định niên đại đền Dương Bi cần các phương pháp khác như nhiệt huỳnh quang vật liệu gạch để có kết quả đáng tin cậy hơn. Nhưng có thể ban đầu cho rằng, đền Dương Bi có niên đại khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 bởi hình dáng, trang trí và kỹ thuật xây dựng của nó.
Giá trị về không gian văn hoá
Bên cạnh điêu khắc và kiến trúc, giá trị của di sản này còn nằm ở chính vị trí và không gianmà nó toạ lạc. Di tích nằm trong thung lũng Chiêm Sơn nơi mà các vết tích Champa bố trí khá dày đặc. Di tích Dương Bi này nằm giữa 2 dãy núi Hàm Rồng về phía Bắc và dãy núi Đá Mã Dèo về phía Nam, phía Tây là thung lũng Mỹ Sơn. Về phía Đông là dòng suối Đập Cây Da, cùng hướng cách đó hơn 1km là kinh thành Trà Kiệu. Cách Dương Bi 100m là di tích Champa khác là Gò Gạch Duy Sơn. Có thể nói, Dương Bi nằm trong một không gian văn hoá khá rộng lớn nơi được xây dựng dày đặc các công trình Hindu giáo với các thung lũng, suối, đồi núi – là các yếu tố đặc trưng của không gian Hindu giáo. Di tích Dương Bi trong không gian văn hoá vùng Quảng Nam,, ảnh Nguyễn Văn Thọ.
Cùng nằm trong không gian văn hoá này, nhưng hầu các di tích còn lại chỉ là phế tích khôngcòn mảng tường kiến trúc nào trong khi đó Dương Bi là kiến trúc duy nhất có tường cao gần2m còn để lại. Điều đáng quý hơn nữa, Dương Bi là dấu ấn của giai đoạn thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 - một giai đoạn mà chưa có di tích nào trong không gian
Chiêm Sơn và Trà Kiệu còn tồn tại.
Giao thoa văn hoáDương Bi còn là minh chứng quá trình cộng cư Việt và cư dân bản địa Champa. Theo GS Lâm Mỹ Dung, di tích Dương Bi là “một minh chứng sống động cho lịch sử tiếp xúc, giao lưu và tiếp nhận văn hoá Việt- Chăm, phản ánh quá trình khai mở vùng đất dinh trấn Quảng Nam” Theo kết quả khai quật, bên cạnh dấu tích kiến trúc ở đây cũng tìm thấy nhiều loại hình di vật khác nhau như ngói cong bản rộng; đồ gốm men đồ sứ men trắng vẽ lam niên đại thế kỷ XVII của lò Cảnh Đức Trấn; đồ sành thế kỷ XVII, XVIII và đặc biệt là có nhiều “ông đầu rau” bằng đá muối và các nghi lễ từ miếu thổ công được xây dựng trước thế kỷ XVIII. Có thể nói, việc tái sử dụng lại ngôi đền Hindu như một ngôi chùa Phật giáo, hay miếu thổ công, các hiện vật gốm men thế kỷ XVII, XVIII, hay Chùa Trà Sơn trên khuôn viên di tích Champa là minh chứng cho việc tiếp xúc, giao lưu và tiếp nhận văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng giữa người Việt với cư dân bản địa Champa tại di tích Dương Bi này.
Lời kết
Điều đáng mừng là sau cuộc khai quật khẩn cấp vào tháng 5 năm 2019, UBND tỉnh QuảngNam đã xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Dương Bi theo quyết định số 3929/QĐ-UBND ngày04 tháng 12 năm 2019. Việc xếp hạng này là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ di tích này. Bên cạnh dưới sự quản lý của nhà nước, di tích này còn nằm trong khuôn viên Chùa Trà Sơn nên việc bảo vệ khá thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải tiến hành tiếp công tác khai quật đối với đền chính và tường bao và nhất là công tác khai quật phải đi liền với việc trùng tu di tích này. Đã tròn 2 năm khai quật khẩn cấp, hiện trạng di sản đang bị xâm thực bởi các yếu tố thời tiết và động thực vật, các vị trí góc kiến trúc cũng như mặt tường cần sớm tiến hành trùng tu, gia cường gia cố. Có nhiều phương án đã đưa ra của các chuyên gia sau khi khai quật khẩn cấp di tích tháp Dương Bi như nên được bảo tồn theo hướng như một bảo tàng ngoài trời, tức là xây dựng nhà mái che bao che lại toàn bộ di tích; xử lý bảo tồn và biến không gian của kalan chính thành nơi thực hiện các nghi lễ Phật giáo bằng cách khôi phục các hoạt động lễ nghi Phật giáo như đã từng được thực hiện tại đây từ khi chùa Việt được xây dựng tại đây; xây dựng hệ thống đường dạo bao quanh tháp giúp du khách và phật tử có cơ hội tiếp cận và chiêm ngưỡng di tích trực tiếp. Giải pháp này đáp ứng hai yêu cầu căn bản là bảo tồn được giá trị của di tích, đồng thời phát huy các giá trị của di tích trong cộng đồng, truyền cho di tích sức sống của cộng đồng hôm nay, mở ra cơ hội thu hút khách đến hành hương, chiêm bái và tham quan di tích.