Năm ngoái, đúng vào thời gian này, tôi về quê
Duy Nghĩa thì gặp bão to.
Bến đò thôn 4 (Duy Nghĩa), bến An Lương (Duy Hải) qua
Hội An ngừng hoạt động, cầu tre tạm trên bến tàu cũng gấp rút dỡ bỏ vì sợ trôi.
Cả đoàn người muốn qua lại Hội An, đi Đà Nẵng gan ruột nóng sôi. Chợt nghe
nhiều người cảm thán cái câu y như bụng dạ mình: “Hồi mô cái cầu Cửa Đại ni mới
xong ri trời!”. Rồi ai cũng quày quả tìm đường ngược lên cầu Trường Giang (Duy
Thành) lên Nam Phước ra Đà Nẵng, hoặc ngược gió, ngược mưa theo hướng đường
thanh niên ven biển qua huyện Thăng Bình, ra quốc lộ 1… Tôi nhớ những con đường
dẫn về quê nhà đó, tuổi thơ mình đã đi lại rất nhiều lần. Tôi nhớ, những con
đường đó, trong ký ức luôn là những quãng rất xa, chậm rãi và đổi thay liên
tục. Tôi “già” theo những con đường đó! Phải chờ gọi mấy bận đò chèo, rồi sau
chỉ cần ngồi đò máy, rồi sau đó là những cây cầu tre lắt lẻo bắc qua đôi bờ…
Nhưng những con đường dẫn về quê thì vẫn cứ lầy cát trắng, vẫn là những bụi
xương rồng đầy gai giăng ngang lối ngăn đường xe chạy và những vồng khoai lang
đặc trưng quê xứ. Mùa mưa bão, nhớ quê cũng không biết cách về vì đò không
chạy, cầu tre cũng dỡ bỏ.
Tôi nhớ nhiều lần ngồi sau lưng ba nhắm mắt
mỗi khi chạy xe máy qua cầu tre về quê từ hướng Nam Phước xuống, ba luôn động
viên hài hước “mở mắt ra nhìn sông, nhìn mấy con heo nó đi phối giống tỉnh bơ
qua cầu kìa”. Và lần nào ba cũng kể tuổi thơ mình. Mười hai tuổi, ba đi bộ ra
bến đò xin đò chở qua phố Hội, rồi xin xe ra Đà Nẵng xin việc làm. Rất nhiều
người từ đó ra đi và ít, rất ít người trở lại. Vùng đông Duy Xuyên, xứ Xuyên
Thọ ngày cũ chỉ có củ khoai lang vườn và xương rồng ven đường. Ước mơ về “cây
cầu nối nhịp bờ vui” tưởng muôn đời chỉ là lời bài hát. Năm ba mất, dự án cầu
Cửa Đại khởi công được một năm. Tôi nhớ, tin xây cầu Cửa Đại từ Hội An bắt qua
Duy Nghĩa làm ông rất vui. Và ngày đó ba cũng mơ ước được đổi vị trí của con
mình, ngồi đằng sau xe. “Để con chở ba qua cầu Cửa Đại. Về quê!”.
Năm nay, ngày giỗ, tôi về quê theo bến đò Cẩm
Thanh (Hội An) qua Duy Nghĩa(Duy Xuyên). Không gặp bão. Chỉ gặp những khuôn mặt
hồ hởi, nô nức của người dân quê mình đi xem người ta tổ chức “hợp long cầu Cửa
Đại”. Nhìn từ phía con đò có thể sẽ là chuyến đò cuối cùng trong đời mình đi về
quê hương, cầu Cửa Đại cao vòi vọi giữa trời xanh mây trắng. Ngoại trừ người
lái đò, ai cũng cùng một hướng nhìn theo những nhịp cầu đã nối dài gắn nhịp vào
nhau. Bên này là phố, bên kia là quê nghèo của tôi đã liền mạch. Nhớ ngày xưa
nội tôi kể: “Ở quê, muốn qua đó (Hội An) phải mặc áo dài mới được ra phố”. Câu
cảm thán một năm trước, bây giờ đã khác: “Ui chu cha, đẹp quá ri trời”. Những
âm thanh theo sóng nước và tiếng lạch bạch máy nổ con đò hình như cũng reo vui.
Tự dưng thấy ứa nước mắt. Nhớ những hướng con đường dẫn về quê nhà theo chân
ba. Rồi bật cười theo những giọng quê chân chất, giòn tan mà đầy mơ ước: “Rứa
nếu tui chở bội gà và mấy bao khoai lang ra "Đà Nẽng" bán thì có được
qua cầu không?”. Bạn sẽ nghĩ gì với câu chuyện vui của người dân quê tôi?
BÌNH ANH