
Cuối năm 1962, Khu ủy 5 đã chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tháng 9-1964, Khu ủy 5 quyết định tách thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà, trực thuộc Khu 5 và quyết định thành lập Thành ủy Đà Nẵng, trực thuộc Khu ủy 5, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Phó Bí thư Thường trực. Tháng 7-1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập Mặt trận 4, nhằm chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang trên chiến trường Quảng Đà và Đà Nẵng. Đồng chí Hồ Nghinh, Ủy viên Khu ủy 5, được cử làm Chính ủy và đại tá Võ Thứ được cử làm Tư lệnh Mặt trận.Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà vào thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà và thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Lúc này, Đặc Khu ủy Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (Quận I, Quận II, Quận III), chia Hoà Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III), và các huyện Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiên, Giằng; đồng thời tiến hành tổ chức củng cố các cấp ủy địa phương và đơn vị.
Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược (đô thị-nông thôn đồng bằng-miền núi); giữa 3 thứ quân (bộ đội chủ lực-bộ đội địa phương-dân quân du kích); giữa 3 mũi giáp công (chính trị-quân sự-binh địch vận) trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
Ngay sau khi được thành lập, Đặc Khu ủy Quảng Đà nhanh chóng lãnh đạo củng cố, ổn định các đơn vị hành chính mới ở các khu, quận, huyện; các ban và lực lượng quân sự, trong đó nổi bật nhất là Mặt trận 4 Quảng Đà. Đặc Khu ủy Quảng Đà tăng cường lãnh đạo, đưa một số cán bộ am hiểu tình hình thành phố Đà Nẵng vào đứng chân tại nội thành để chỉ đạo phong trào. Trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Thường vụ Khu ủy 5 cử các đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy, trực tiếp làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà;hai đồng chí HồNghinh và Trần Thận làm Phó Bí thư. Bộ Tư lệnh Quân Khu V cử đồng chí Nguyễn Chánh (Bình), Phó Tư lệnh Quân Khu V, làm Tư lệnh Mặt trận 4. Đồng thời, Quân khu bổ sung cho Mặt trận 4 trung đoàn pháo 575, 577 và Trung đoàn bộ binh 31. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá kết nghĩa đưa Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn (D91) vào trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà.
Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ đạo: “Đánh vào Đà Nẵng nhằm làm tê liệt và thiệt hại nặng các cơ sở hậu cần, trận địa pháo, sân bay; chiếm lĩnh một số điểm khống chế thành phố; cắt đứt các đường giao thông vào thành phố. Sử dụng một bộ phận bộ binh phối hợp với biệt động thành đánh chiếm một số mục tiêu chủ chốt trong thành phố và trụ lại để hỗ trợ quần chúng bên ngoài vào và bên trong nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu quân sự, chính trị, cướp chính quyền của địch”.
Với quyết tâm “Tất cả cho Tổng công kích, tất cả cho Tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, nhân dân Quảng Đà thi đua dốc sức người, sức của, tập trung mọi nguồn lực cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Ngoài các ban đã có trước đó, Đặc Khu uỷ thành lập các ban mới như Ban Cung cấp tiền phương, Ban Miền núi, Ban Thành phố, Ban Cán sự uỷ ban; các đơn vị bộ đội ổn định tổ chức, được tăng cường; nhanh chóng củng cố, hình thành đường dây thông tin liên lạc. Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định tập trung cho trọng điểm Đà Nẵng, lấy việc quần chúng nổi dậy giành chính quyền là chính.
Trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ở Quảng Đà, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch, gồm quân ngụy, quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên, phá hủy và bắn rơi 192 máy bay, đánh cháy 40 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 49 khẩu pháo và nhiều kho tàng của Mỹ-ngụy.
Đây là lần đầu tiên quân và dân đất Quảng đồng loạt tấn công vào thành phố Đà Nẵng, các thịxã Hội An, Tam Kỳ, hầu hết các thị trấn quận lỵ và cơ quan đầu nảo của Mỹ- ngụy trên địa bàn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giành những thắng lợi có ý nghĩa về quân sự, chính trị. Song, do thời gian có thay đổi, hai lực lượng quân sự và chính trị nhiều nơi không phối hợp chặt chẽ được, mất yếu tố bất ngờ, nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Quảng Nam và Quảng Đà, đặc biệt là tại trọng điểm Đà Nẵng không đạt được mục tiêu đề ra.
Tiếp đó, Đặc khu ủy Quảng Đà lãnh đạo quân và dân mở các chiến dịch Hè 1968, Thu 1968 và nhiều cuộc tiến công khác giành nhiều thắng lợi.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Quảng Nam và Quảng Đà đã giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa về quân sự, chính trị, góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
Sau thất bại của chiến lược “ Chiến tranh cục bộ” Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vừa xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước vừa tăng cường quân ngụy để thay chân Mỹ trên chiến trường. Chúng coi “bình định” là quốc sách hàng đầu là biện pháp then chốt quyết định thành bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng mở những đợt càn quét qui mô lớn vào vùng giải phóng nhằm lấn chiếm đất đai, giành dân, tiêu diệt cơ sở cách mạng, đánh bật lực lượng chủ lực của ta ra khỏi nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho bọn tay sai vơ vét sức người, sức của phục vụ chiến tranh.
Trước tình hình đó, Đặc khu ủy Quảng Đà xác định: “Chống bình định, giành quyền làm chủ của nhân dân, nắm chắc dân, mở rộng và xây dựng vùng của ta là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của các cấp Đảng bộ” và nhấn manh: “Chống bình định là sự nghiệp của quần chúng. Các đảng bộ và cơ quan lãnh đạo các cấp phải tin quần chúng, dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh tiềm tàng và vô địch của quần chúng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh quyết liệt với địch bằng phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” thì mới giành được thắng lợi”.
Với quyết tâm đó, Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo quân và dân tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, lấy nông thôn làm địa bàn và hướng tiến công chủ yếu; chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó cốt yếu là tăng cường sức mạnh và hiệu suất chiến đấu bộ đội tập trung của tỉnh, huyện; tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ chiến tranh du kích trên khắp các địa bàn. Đặc Khu ủy chủ trương đưa cán bộ, bộ đội, du kích trở lại bám sát địa bàn, dựa chắc vào dân để xây dựng lực lượng và chiến đấu; giữ cho được những căn cứ lõm làm chỗ đứng chân ở đồng bằng, vùng ven. Những cán bộ, đảng viên dày dạn kinh nghiệm đấu tranh được điều động tăng cường cho những vùng xung yếu; xây dựng lực lượng “nhiều tầng, nhiều tuyến, ngăn cách, bí mật, chủ động”. Cuộc đấu tranh giành dân, giữ đất diễn ra hết sức quyết liệt, dai dẵng, khó khăn chồng chất khó khăn, lực lượng bị tiêu hao nhiều, nhưng không một ai nao núng, sờn lòng. Nhân dân là điều kiện sống của cán bộ và phong trào cách mạng, “Dân là vàng, mỗi người dân là một viên ngọc, có dân, có tất cả; mất dân, mất tất cả” là phương châm nằm lòng của cán bộ trụ bám.
Dưới sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy, quân và dân Quảng Đà đã đẩy mạnh đấu tranh chống sách lược đánh phá, bình định của địch, phá vỡ các khu dồn, vùng giải phóng được mở ra rộng lớn. Lực lượng chính trị trưởng thành hơn trước, lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng lớn mạnh, tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng nông thôn, góp phần vào việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-01-1973.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến Mỹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ngụy quyền làm công cụ cho chính sách thực dân mới ở miền Nam. Được sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn trắng trợn vi phạm Hiệp định. Chúng ồ ạt triển khai kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo” hòng giành lại các vùng giải phóng, đẩy lực lượng ta ra xa, tiến tới xóa bỏ vùng giải phóng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương: “Kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát huy thế chủ động, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch”. Đặc khu ủy Quảng Đà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành dân, giành đất thu được nhiều kết quả. Phát huy thắng lợi đã có, tại Quảng Đà, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh tấn công tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức - một hệ thống cứ điểm kiên cố, “cánh cửa thép” án ngữ ở phía Tây Nam khu liên hợp quân sự Đà Nẵng (ngày 7-8-1974).
Với chiến thắng Thượng Đức và những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Ngày 23-3-1975, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà nhận chỉ thị từ Bí thư Khu ủy 5, nhấn mạnh: “ Phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để định co cụm về phía Nam (Sài Gòn); không để địch cưỡng ép dân đi vào phía Nam”. Với khí thế tấn công thần tốc, từ ngày 24-3 đến ngày 29-3, ta làm chủ nhiều khu vực trọng yếu trên chiến trường Quảng Đà. Đến trưa ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc Tòa thị chính, báo hiệu Đà Nẵng được giải phóng; quân chủ lực cùng tự vệ và biệt động Đà Nẵng tiếp quản Tòa thị chính.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy liên tục suốt 27 ngày đêm (từ ngày 3-3 đến ngày 29-3-1975) của quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng, với sự hỗ trợ của quân chủ lực Bộ và Quân khu 5, ta đã giành được toàn thắng, giải phóng thành phố Đà Nẵng, đập tan căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất của Mỹ-ngụy ở miền Trung, tiêu diệt và làm tan rã 10 vạn quân ngụy, giải tán ngụy quyền các cấp. Nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng thực sự làm chủ quê hương, bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội mới, chế độ mới.
Ngay sau khi giải phóng, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có kế hoạch “Bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ không để dân đói”; chỉ đạo tốt an ninh trật tự, để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; nhanh chóng ổn định tình hình, ổn định cuộc sống nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài, vật lực phục vụ việc tấn công giải phóng các tỉnh phía Nam và Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước.
Chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh; ngày 04-10-1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến đây, Đặc khu Quảng Đà-Đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu 5 và thứ hai của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng cũng đầy sáng tạo, phi thường.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG NAM