Lễ hội truyền thống Việt Nam là sự kiện văn hóa - tâm linh được tổ chức mang tính cộng đồng; là một trong những loại hình di sản độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng, nhiều người. “Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm hướng tới một đối tượng thiêng liêng, là tôn vinh những nhân vật có công đối với đất nước, với một vùng đất, một cộng đồng nào đó; qua đó thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống. “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Lễ hội chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa để lại; là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người, giúp con người nhớ về nguồn cội, tìm về sự thiêng liêng, tạo sự cộng cảm với đời sống tâm linh và nhằm hướng tới một cuộc sống tốt lành mà trong hiện thực không phải lúc nào cũng gặp; đồng thời qua đó có thể củng cố thêm niềm tin vào cuộc sống.

Hát bả trạo là một trong những nghi thức quan trọng, được ngư dân diễn xướng liên tục 2 đêm.
Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, vào dịp tháng Giêng âm lịch, hàng loạt lễ hội đã được mở ra khắp nơi trên địa bàn huyện, từ lễ hội kỳ yên(cúng xóm), cho đến lễ hội làng, lễ hội vùng miền. Thực trạng của lễ hội trong mấy năm gần đây cho thấy có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, nhiều vấn đề để lại phiền muộn, lo lắng trong xã hội!

Các bô lão của làng cầu nguyện cho quốc thái dân an.
Những vấn đề đang tạo nên dư luận trái chiều, đó là ý nghĩa cũng như bản sắc tốt đẹp của lễ hội, có vẻ như ngày càng mờ nhạt và thay vào đó là nhận thức của đại bộ phận người dân đi lễ nhằm mục đích cầu tài cho bản thân, tìm sự hỗ trợ của thần thánh trong những toan tính vụ lợi. Người ta đến với lễ hội không phải bằng sự tôn kính linh thiêng như ngày xưa mà đến với lễ hội nhằm tìm kiếm, mặc cả với thần thánh bằng những mâm rượu thịt, những đồng tiền thật rải lên tượng Phật cầu mong được phù hộ để thăng quan, tiến chức, phát tài, phát lộc; thậm chí cả buôn gian, bán lậu, làm ăn phi pháp được trót lọt. Do đó, đã gây nên sự lộn xộn, phản cảm, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của hoạt động văn hóa - tâm linh này. Nguyên nhân về thực trạng này có nhiều nhưng đáng chú ý nhất là: Do người dân chưa hiểu thấu đáo giá trị truyền thống của lễ hội; Các cơ quan chức năng, các nhà quản lý văn hóa chưa làm trọn trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu sắc, đầy đủ; chưa đưa ra các định hướng, hướng dẫn cụ thể về tổ chức lễ hội, để mặc cho người dân đi vào lễ hội, tín ngưỡng một cách tự phát, u mê. Nhưng điều lo ngại nhất là hiện tượng cầu cúng, mê tín dị đoan thường xuất hiện nhiều mỗi khi lòng người bất an, xã hội bất trắc, niềm tin của con người vào cuộc sống hiện thực suy giảm thì họ phải tìm kiếm niềm tin ở trong hoang đường; Thậm chí vì mục đích lợi nhuận, lấy danh nghĩa quảng bá du lịch mà các cơ quan chức năng, các nhà tổ chức đã lợi dụng những giá trị truyền thống để cổ súy cho những suy nghĩ lệch lạc, sự mê tín của dân chúng.
Chuẩn bị cho mâm lễ.
Thành tâm.

Nghi lễ rước long chu.
Vấn đề đặt ra là làm sao tổ chức các lễ hội truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, vừa giữ gìn, phát huy những tinh hoa văn hóa, các yếu tố tích cực mà lễ hội mang lại; đặc biệt, thông qua lễ hội để thu hút khách du lịch, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách; đồng thời xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, ngăn chặn lợi dụng lễ hội vì mục đích kinh doanh trái phép, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh, bảo vệ môi trường.
Hoàng Thơ biên soạn