Nhiều tuyến đường bị ngập trong lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 11 năm 2017, trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng có mưa to đến rất to, dẫn đến lũ lớn; riêng trên địa bàn huyện Duy Xuyên nước lũ ngập sâu tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 2009. Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt lũ từ ngày 4 đến ngày 6/11/2017 trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại rất nặng nề về tài sản, nhà cửa của nhân dân và cơ sở hạ tầng kinh tế- hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Hiện nay nhiều vùng trên địa bàn huyện còn ngập sâu, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân và khôi phục, phát triển sản xuất, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện mộ số công việc trọng tâm sau đây:
1. Huy động lực lượng ra quân tổng vệ sinh môi trường theo tinh thần nước rút đến đâu tổng vệ sinh đến đó, không để rác thải, bùn đất, xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Chủ tịch UBND xã, thị trấn có kế hoạch tổ chức lực lượng giúp các gia đình bị xói lở, hư hỏng nhà cửa sớm khắc phục, ổn định cuộc sống, nhất là giúp các gia đình có người bị tai nạn, đau ốm, có nhà bị ngập sâu, bị chia cắt đảm bảo lương thực, nước uống, không để người dân nào bị đói, khát; tuyên truyền, vận động nhân dân ở từng khu dân cư khẩn trương xử lý vệ sinh môi trường ở từng gia đình và đường làng ngõ xóm sạch sẽ, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế khẩn trương huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tập trung dọn dẹp vệ sinh khu vực cơ quan, đơn vị, sớm đi vào hoạt động ổn định để phục vụ nhân dân. Đối với các khu vực công cộng, tập trung nhiều rác thải, bùn đất, xác động vật... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam - Chi nhánh Duy Xuyên để có kế hoạch huy động phương tiện, nhân lực dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút.
2. Cùng với việc tổng vệ sinh môi trường, ngành y tế có kế hoạch cấp phát hóa chất và phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân xử lý các giếng khơi bị ngập để đảm bảo cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, có kế hoạch phun hóa chất xử lý môi trường ở các khu vực trọng điểm để phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết. Ưu tiên tập trung thuốc cứu chữa đối với những người bị thương trong lũ lụt hoặc trong quá trình tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt; nếu việc sử dụng thuốc vượt quá khả năng, thì tổng hợp báo cáo UBND huyện để xem xét, giải quyết.
3. Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân và tổng vệ sinh môi trường sau lũ, UBND các xã, thị trấn khẩn trương thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra, báo cáo về huyện chậm nhất trong ngày 8/11/2017. Thường trực BCH Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện chịu trách nhiệm tham mưu UBND huyện tổng hợp toàn bộ thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện để báo cáo cấp trên và có kế hoạch khắc phục.
4. Thường trực Ban An toàn giao thông huyện khẩn trương khảo sát, cắm biển báo ở các cầu, các tuyến đường bị hư hỏng nặng để cảnh báo và hướng dẫn giao thông. Công an huyện có kế hoạch phân công lực lượng phối hợp với công an các địa phương chốt chặn, hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập nặng, bị sạt lở, cầu hỏng, bến đò để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt lưu ý hỗ trợ UBND xã Duy Vinh thực hiện phương án cấm người và các phương tiện giao thông qua cầu Hà Tân, đảm bảo an toàn tàu thuyền vận chuyển và phân luồng giao thông qua cầu Duy Phước- Cẩm Kim (cầu Bà Ngân).
5. Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn khẩn trương khảo sát, tổng hợp thiệt hại đối với các công trình hạ tầng giao thông và tham mưu, đề xuất kế hoạch khắc phục; tổ chức khắc phục nhanh các cầu, đường bị sạt lở để sớm đảm bảo giao thông thông suốt. Kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, sớm ổn định sản xuất; đồng thời, tổng hợp tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp, tham mưu đề xuất UBND huyện có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.
6. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và Xí nghiệp thủy lợi Duy Xuyên khảo sát, tổng hợp tình hình thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, hệ thống thủy lợi nói riêng; đề xuất biện pháp khắc phục nhanh để kịp phục vụ sản xuất Đông Xuân.
7. Phòng Lao động- Thương binh và xã hội phối hợp với Mặt trận, Hội, đoàn thể và các địa phương nắm tình hình người bị thương trong lũ lụt và tình hình đời sống nhân dân vùng ngập lũ nặng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đề xuất sử dụng quỹ bảo đảm xã hội để cứu trợ kịp thời, không để người dân nào bị đói hoặc không đủ điều kiện điều trị thương tích do lũ lụt gây ra.
8. Cơ quan Quân sự, Công an huyện tăng cường lực lượng và chỉ đạo Quân sự, Công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự và sử dụng phương tiện phòng chống bão lụt đưa người bị thương, bị bệnh đi cấp cứu kịp thời. Đồng thời, phân công lực lượng trực ở các khu vực cầu, đường bị hư hỏng, các tuyến đò tạm để hướng dẫn an toàn giao thông, không để người dân xảy ra tai nạn đuối nước khi đi lại trong vùng ngập lũ.
9. Điện lực Duy Xuyên tăng cường bố trí lực lượng, khắc phục nhanh hệ thống điện bị hư hỏng, dựng lại các trụ điện bị ngã, đổ để kịp thời cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân ở những khu vực bị cắt điện đảm bảo được an toàn.
10. Phòng Tài chính và kế hoạch căn cứ vào yêu cầu thực tế, tham mưu UBND huyện cân đối ngân sách hỗ trợ kịp thời cho các ngành, địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, nhất là hỗ trợ cứu chữa người bị thương, nhà bị sập, xói lở và hóa chất xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh.
11. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên xuống các địa phương, đơn vị bị thiệt hại nặng để tham gia hỗ trợ khắc phục.
12. Đề nghị UBMTTQVN huyện và các đoàn thể vận động lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt; phối hợp với Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện, ngành Lao động- Thương binh và xã hội và Hội Chữ thập đỏ huyện nắm chắc tình hình thiệt hại, đời sống của nhân dân để vận động giúp đỡ kịp thời; đồng thời, làm đầu mối tiếp nhận, phân phối kịp thời, đúng đối tượng nguồn cứu trợ của các tổ chức, cá nhân đối với nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.
13. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tiếp tục theo dõi, đưa tin về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả lũ lụt; cập nhật thông tin, phản ánh kịp thời về các tấm gương người tốt việc tốt giúp nhau trong lũ lụt và hoạt động cứu trợ đồng bào vùng lũ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
14. Giao Văn phòng HĐND-UBND huyện tham mưu UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt của các ngành, địa phương và kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND huyện và báo cáo về UBND tỉnh.