Lấy cảm hứng từ sản phẩm nông nghiệp sạch, chàng thanh niên sinh năm 1989 tại vùng đất cát thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa - Lê Văn Lương đã táo bạo khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh cà phê sạch. Xuất phát từ niềm đam mê với loại cây này, anh cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công máy rang cà phê đầu tiên ở Quảng Nam. Đáng khâm phục hơn khi anh Lương còn biết cách tận dụng thời cơ làm du lịch ngay tại quê nhà để quảng bá cà phê nguyên chất của Việt Nam ra thế giới
Mỗi ngày, tại quán cà phê của mình anh Lê Văn Lương đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức cà phê sạch. Tận dụng không gian xanh của quán, anh Lương bố trí một khu vực riêng nhằm giới thiệu quy trình sản xuất cà phê sạch. Du khách được tận mắt chứng kiến quy trình khép kín từ khâu rang, xay đến khâu pha chế. Những ly cà phê nguyên chất được pha bằng tâm huyết của thanh niên trẻ khiến du khách gần xa không khỏi trầm trồ, đặc biệt là những du khách nước ngoài đến đây tham quan và thưởng thức lê cà phê sạch. Bà Rachel Southon – một du khách người New Zealand nói:“ Lần đầu tiên tôi được tận mắt tìm hiểu cách rang cà phê thô như thế này và được thưởng thức cà phê nguyên chất thật tuyệt vời ở làng quê yên bình thơ mộng, chúng tôi có một trải nghiệm khá ấn tượng với cà phê nổi tiếng của các bạn…)
Chụp ảnh lưu niệm với du khách
Trao đổi với chúng tôi anh Lê Văn Lương cho hay, năm 2010, anh mới tập tành kinh doanh và mở một quán cà phê vườn tại nhà với hy vọng phát triển kinh tế ổn định. Thế nhưng, vào thời điểm đó vùng đất này vẫn còn cách trở bởi chưa có cầu Cửa Đại, quán cà phê cũng thưa thớt. Sau một thời gian dài loay hoay, đến năm 2012 anh Lương mới bắt đầu định hình hướng phát triển khi có dịp tham gia hội chợ cà phê tại Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Lê Văn Lương trăn trở, tại sao một đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng lượng người dân được tiếp cận với cà phê sạch lại rất hạn chế.

Khách nước ngoài đến uống cà phê quán anh Lương
Nghĩ là làm, anh Lương và một người anh của anh nữa là Nguyễn Thanh Vũ quay về và bắt tay vào kế hoạch sản xuất cà phê sạch để tìm lối đi riêng trong kinh doanh. Cả hai tìm vào các bản làng xa xôi vùng Cư M’Gar (Đắk Lắk) để mua cà phê Robusta, còn cà phê Arabica thì được mua ở vùng Cầu Đất (Lâm Đồng). Đến tận bây giờ, dù đã ổn định trong sản xuất nhưng cứ đều đặn nửa năm một lần, cả hai lại tìm đến vùng trồng nguyên liệu mua khoảng 2 tấn cà phê để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Sau hơn 2 năm sản xuất, sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Phương Thảo Coffee của anh Lương và Vũ đã tiêu thụ được khoảng 5 tấn với các thị trường như Đà Nẵng, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh…
Trong quá trình phát triển sản phẩm, khó khăn nhất là khâu tiếp cận người tiêu dùng. Bởi cà phê nguyên chất có màu nâu nhạt, loãng, vị đắng thanh, khác xa so với cà phê đại trà đặc sánh, đắng nhẫn. Theo đó, anh phải dành thời gian tư vấn, giải thích để khách hàng phân biệt được đâu là cà phê sạch. Trăn trở làm thế nào để thay đổi tập quán uống cà phê của người Việt Nam, hướng người tiêu dùng đến sản phẩm cà phê an toàn không tạp chất, Anh Lương cùng đồng nghiệp không quản ngại khó khăn, đến từng tour du lịch để giới thiệu, gắn kết du lịch trong hành trình khám làng quê Duy Nghĩa. Bởi theo anh, để người tiêu dùng chấp nhận thay đổi thói quen uống cà phê trộn lâu đời cần có sự kiên trì và kết nối để thay đổi ý thức trong cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh cà phê sạch. Đầu tháng 11 năm 2016, Lương mạnh dạn vay vốn tín chấp của Đoàn thanh niên hơn 38 triệu đồng để mở xưởng sản xuất, nghiên cứu chế tạo máy rang cà phê. Máy do cơ sở của Lương làm ra có chất lượng ngang ngửa với các dòng máy nhập nhưng giá thành thấp hơn. Vì thế, sản phẩm này đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng. Dù chỉ mới khai trương, nhưng đến nay, cơ sở đã có hơn 6 đơn đặt hàng của khách hàng khắp cả nước.
Với sự đam mê, lòng nhiệt huyết, và thông điệp nhân văn mà anh Lê Văn Lương gửi gắm vào sản phẩm của mình. tin chắc rằng thương hiệu cà phê sạch của anh Lê Văn Lương sẽ sớm có chỗ đứng trong thị trường, góp phần thanh lọc thị trường cà phê pha tạp gây độc hại cho người tiêu dùng hiện nay./.
Bài và ảnh:TM