Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Truyền dạy kỹ năng hô hát bài chòi

        Nhiều lớp tập huấn “Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi” được tổ chức đã góp phần giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi xứ Quảng.

          Biểu diễn bài chòi ở các lễ hội truyền thống. Ảnh: P.T

          Khơi dậy sức sống

          Ông Lê Văn Xâng (63 tuổi) ở thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân, Duy Xuyên cho biết từ năm 18 tuổi đã gắn bó với nghề hát bài chòi. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay hễ có dịp biểu diễn cũng như tham gia các lớp học về bài chòi ông đều không bỏ lỡ.

          Ông Xâng nói: “Vốn đam mê bài chòi từ nhỏ nên tôi đăng ký tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) bài chòi xã để ca hát và truyền dạy cho lớp trẻ. Mới đây, Sở VH-TT&DL mở lớp bồi dưỡng thực hành nghệ thuật bài chòi, tôi cũng tích cực tham gia”.

          Ông Xâng thông tin thêm, năm 2019, CLB bài chòi xã được thành lập với 10 thành viên, ngoài sinh hoạt định kỳ còn tham gia biểu diễn trong lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội xuân thu hút sự quan tâm của công chúng.

          Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho hay, huyện có 5 CLB bài chòi với khoảng 50 thành viên ở các xã Duy Tân, Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Vinh, Duy Thành. Huyện Duy Xuyên hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng để mua sắm trang phục, dụng cụ tập luyện cho các CLB.

          Duy Xuyên nỗ lực duy trì sinh hoạt các CLB theo định kỳ; tổ chức chương trình biểu diễn, tạo sân chơi cho mọi người phát huy năng khiếu và tìm kiếm nhân tố mới để phát triển phong trào ở cơ sở.

          “Địa phương có nhiều cách làm để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Như CLB bài chòi xã Duy Hòa phối hợp với nhạc công xã Duy Tân tổ chức hô hát phục vụ nhân dân địa phương, mở rộng biểu diễn sang Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và TP.Đà Nẵng.

          Ngành văn hóa huyện cũng phối hợp đưa nghệ thuật bài chòi vào truyền dạy trong trường học, tổ chức hội thi, hội diễn, tập huấn cho các đội, nhóm, CLB bài chòi ở các xã, thị trấn” - ông Minh nói.

          Truyền “lửa” cho đời sau

          Quảng Nam hiện có 90 CLB, đội, nhóm bài chòi với hơn 700 người tham gia, trong đó nghệ nhân thực hành hô thai là hơn 250 người. Số lượng nghệ nhân truyền dạy khoảng 60 người, trong đó có 2 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

          

Truyền dạy nhạc cụ cho những người đam mê bài chòi ở Duy Xuyên. Ảnh: T.T

          Các CLB, đội, nhóm bài chòi ở các xã, phường, thị trấn tổ chức sinh hoạt định kỳ, tham gia hội thi các cấp, hội diễn văn nghệ mừng xuân, góp phần lan tỏa nghệ thuật bài chòi trong cộng đồng.

        Bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết, từ năm 2021 đến nay, đơn vị chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 15 lớp tập huấn truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi với khoảng 700 người tham gia. Cạnh đó, các đơn vị tổ chức truyền dạy bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc.

         Riêng trong tháng 10 này, đơn vị phối hợp với huyện Duy Xuyên, Thăng Bình tổ chức lớp tập huấn “Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi” cho hàng trăm học viên là nhạc công, thành viên các câu lạc bộ, nhóm và giáo viên thanh nhạc các trường học...

          Bà Vân chia sẻ, nếu TP.Hội An đưa nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách, thì tại TP.Tam Kỳ, nghệ thuật bài chòi được xác định là một trong những nội dung đưa vào chương trình biểu diễn trong các dịp lễ, tết, phục vụ du khách tham quan.

          Hàng năm, Trung tâm VH-TT&TT thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghệ thuật bài chòi cho các CLB, đội, nhóm tại các xã, phường và khơi lửa bài chòi đối với học sinh.

          Tại các huyện, thị xã như Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, chính quyền địa phương ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, quan tâm nhiều hơn đến những nghệ nhân hát bài chòi - những người được coi là “di sản sống”.

“        Để nuôi dưỡng phong trào, ngành văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi. Các hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các cuộc liên hoan, giao lưu bài chòi cũng được tổ chức thường xuyên hơn.

          Chú trọng xây dựng đội ngũ nghệ nhân chất lượng, đào tạo đội ngũ kế cận để tiếp nối. Những năm tới, mối tác động tương hỗ giữa đội ngũ sáng tác lời hô hát, kịch bản dân ca bài chòi và đội ngũ nghệ nhân bài chòi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ lửa nghệ thuật bài chòi ở Quảng Nam” - bà Vân chia sẻ thêm.

Phi Thành- Minh Tâm

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?