Trước những tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua ngành nông nghiệp Duy Xuyên đã hỗ trợ nông dân chuyển một số đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất nhiều loại cây trồng cạn, giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế.
Người dân xã Duy Phước thu hoạch đậu phụng trồng trên những chân đất lúa chuyển đổi trong vụ đông xuân vừa qua. Ảnh: N.P
Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước (Duy Xuyên) cho biết, mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ khoảng 500ha lúa. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng ngày càng xuất hiện gay gắt và kéo dài trên diện rộng khiến một số diện tích lúa trên địa bàn xã hay bị thiếu hụt nguồn nước tưới, nhất là trong vụ hè thu. Trước tình trạng đó, 3 năm qua xã Duy Phước cùng các đơn vị liên quan tích cực vận động nông dân chuyển đổi 20ha đất lúa nằm ở những khu vực cuối kênh thường khó khăn nước tưới sang gieo trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu nhằm nâng cao thu nhập. Ông Ba nói: “Số diện tích đất lúa chuyển đổi nêu trên chủ yếu ở các thôn Hà Nhuận, Triều Châu, Hà Bình, Câu Lâu Đông, Câu Lâu Tây, Lang Châu Bắc, Lang Châu Nam. Để giúp nhà nông có điều kiện phát triển sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung, từ nguồn vốn do cấp trên hỗ trợ và linh hoạt huy động, lồng ghép các kênh vốn khác, xã Duy Phước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình điện thủy lợi hóa nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới”.
Thực tế cho thấy, nhờ chủ động nước tưới nên người dân dễ dàng luân canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây trồng cạn chủ lực như bí đao, bắp lai, đậu phụng, bắp nếp, đậu xanh và rau ăn lá. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm 1ha đất chuyển đổi này mang lại cho nông dân mức thu nhập khoảng 100 - 110 triệu đồng, tăng 20 - 30 triệu đồng/năm. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết thêm, trước những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, trong vòng 5 năm trở lại đây bình quân mỗi vụ ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền cơ sở hỗ trợ và hướng dẫn người dân chuyển khoảng 110 - 160ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất nhiều mô hình khác nhau. “Trong số diện tích đất lúa chuyển đổi nêu trên, phần lớn nông dân trồng các loại cây như đậu xanh, bắp, đậu phụng và cỏ voi nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò thâm canh, còn lại một phần thì đầu tư cải tạo mặt ruộng để thả sen kết hợp với nuôi một số loại cá nước ngọt. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết mô hình chuyển đổi đều cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 3 lần so với gieo sạ lúa. Đây được xem là phương thức sản xuất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp” - ông Năm nói.
Nhã Phương