Biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng đặt ra cho cuộc sống của con người trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động trước những diễn biến bất thường của thời tiết và dịch bệnh.
Năm 2017 nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên canh tác gần 14.881ha cây trồng các loại, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 51.409 tấn. Trong năm, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của huyện tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi 160ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang gieo trồng những loại cây trồng cạn như đậu phụng, bắp, sen, đậu xanh, mang lại hiệu quả cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 177 ha lúa giống và các loại rau quả theo hình thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong khi đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường bấp bênh và dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc vào thời điểm gần cuối năm. Còn trên lĩnh vực thủy sản, nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn và mua sắm nhiều ngư lưới cụ hiện đại nên tổng sản lượng khai thác hải sản cả năm đạt hơn 12.600 tấn, tăng 20% so với năm ngoái. Theo thống kê, năm 2017 này tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của huyện Duy Xuyên đạt 1.405 tỷ đồng, tăng 3,16% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 929 tỷ đồng, lâm nghiệp 25 tỷ đồng, thủy sản 453 tỷ đồng.
Năm 2018 tiếp tục là năm được dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan, cục bộ, kéo dài. Để đối phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, ngành nông nghiệp chủ động triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả; trong đó, tính dự báo luôn được ngành chuyên môn đặt lên hàng đầu và theo dõi chặt chẽ, thường xuyên để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp cả về khung thời vụ và cơ cấu giống cây trồng. Theo đó tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa; cải tạo đất, chỉnh trang đồng ruộng gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Thực hiện đạt kế hoạch chuyển đất lúa sang cây trồng cạn như lạc, ngô, ớt và các loại cây thực phẩm khác đồng thời chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày sang cơ cấu giống lúa trung và ngắn ngày, mở rộng diện tích lúa lai, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế ngành trồng trọt vừa tiết kiệm nguồn nước tưới và giảm thiểu rũi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng có hiệu quả chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, chương trình 3 giảm, 3 tăng, mở rộng diện tích gieo sạ bằng công cụ sạ hàng nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Mở rộng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, nếp, ớt, dưa và cây thực phẩm khác theo hướng liên doanh, liên kết với các công ty nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Đối với ngành chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi một cách có hiệu quả, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành. Đầu tư phát triển chăn nuôi luôn gắn với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Duy trì và đẩy mạnh chương trình lai tạo đàn bò, phát triển nuôi lợn nái ngoại hướng nạc, chăn nuôi gia cầm theo hướng chuyên dụng với quy mô lớn theo hướng tập trung, công nghiệp. Tiếp tục hình thành các chi hội chăn nuôi để các thành viên cùng giúp đỡ nhau về kỹ thuật, con giống, vốn, thông tin về thị trường cùng nhau phát triển chăn nuôi và ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư vào xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn tại các khu chăn nuôi tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, triển khai thực hiện sắp xếp lại cơ sở giết mổ gia súc theo vùng trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vào hoạt động tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung; kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật tại các chợ và các điểm mua bán, lưu thông nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Trên lĩnh vực thủy sản: phát huy vai trò của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá nhằm tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tăng cường bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khuyến khích ngư dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kiêm ngành, kiêm nghề. Tiếp tục củng cố, phát triển các tổ nuôi tôm theo hướng cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ nuôi trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi, vì lợi ích chung của cộng đồng...
Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Vì vậy, các cấp, các ngành cần nhận thức sâu sắc tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực này để vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân, tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để gặt hái những vụ mùa bội thu.
Phi Thành.