Mới đây, UBMTTVN huyện Duy Xuyên tổ chức buổi tọa đàm nhằm góp ý xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Phi Thành
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phạm Được,Chủ tịch UBMTTQVN huyện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với đời sống con người. Nếu môi trường sống bị hủy hoại thì con người có nguy cơ bị hủy diệt. Thực trạng môi trường ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do người dân nhận thức không đúng đắn và đầy đủ về môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Việc sử dụng rộng rãi, thường xuyên các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, các loại thuốc kích thích, tăng trưởng đã góp phần gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải ở các khu dân cư đang là những thách thức gay gắt đối với sự phát triển ở từng địa phương. Vì vậy, việc chung tay bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.
Tại buổi tọa đàm, đại diện cho ban công tác mặt trận thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân cho biết, toàn thôn có diện tích tự nhiên 180 ha. Trong thôn có 4 tổ đoàn kết với 346 hộ, tổng cộng 1.215 nhân khẩu. Tuy cách trung tâm xã 1,5 km nhưng lại là thôn có dân cư đông đúc nhất xã Duy Tân, với địa thế tương đối thuận lợi về giao thông đường thuỷ, đường bộ nên hoạt động thương mại-dịch vụ, nhất là chợ Thu Bồn luôn nhộn nhịp. Những năm trước đây, tại thôn Thu Bồn Đông xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi và là điểm nóng về dịch bệnh. Năm 2009, xã Duy Tân chọn thôn Thu Bồn Đông làm điểm xây dựng khu dân cư hài hoà về kinh tế, xoá đói giảm nghèo gắn với công tác bảo vệ môi trường, do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã làm trưởng ban điều hành, với sự tham gia của các ngành liên quan của xã và Ban thôn, Ban công tác mặt trận thôn Thu Bồn Đông. Mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao trong vấn đề bảo vệ môi trường nên tình trạng vứt rác giảm hẳn. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là địa bàn thôn nằm cuối kênh Thạch Bàn. Vì vậy, xác súc vật chết, bao bì, chai lọ cứ tuồn hết về đây, gây ô nhiễm.
Trong khi đó, đại diện ban công tác mặt trận các thôn, khối phố nhìn nhận, một thực trạng tồn tại nhiều năm nay là hàng ngày lượng rác thải tại các khu dân cư quá nhiều nhưng rác được vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng. Rác ứ đọng ngày này qua ngày khác gây hôi thối, ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tại các điểm tập kết rác thường ứ đọng rác quá lớn nên dân cư xung quanh điểm tập kết rác cũng bị ô nhiễm. Mặt khác ý thức của người dân vẫn giữ thói quen vứt rác ra đường, xả nước thải bừa bãi ra sông, ra biển làm ảnh hưởng đến tổng quan môi trường. Trong nhiều khu dân cư, các cơ sở sản xuất quy mô cá thể đầu tư chưa bài bản cho khâu xử lý môi trường gây mùi hôi thối.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường” thì ngoài việc tăng cường kiểm tra, quản lý bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước thì cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn môi trường bền vững. Trước hết là các khu dân cư, hộ gia đình có trách nhiệm bảo vệ môi trường, như: thu gom vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi quy định. Xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh. Đồng thời, vận động cộng đồng tham gia cải thiện môi trường xung quanh nhà ở và khu vực công cộng; thành lập tổ thu gom rác, hàng tuần tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác về điểm tập kết, khuyến khích, hướng dẫn việc tái sử dụng các chất thải, tái chế rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu lượng rác phải xử lý để khu dân cư trong lành hơn.
Phi Thành