Bắt đầu từ ngày 20.5, nông dân toàn huyện bắt đầu xuống giống gieo sạ vụ hè thu năm 2016. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, vụ hè Thu nầy được dự báo có nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm, là một vụ sản xuất khó khăn về nước tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa. Việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý nước tưới cho cây lúa hè thu đang được nhiều người quan tâm.
Đối với giai đoạn làm đất gieo sạ lúa hè thu, bà con chỉ cần trỗ nước vào ruộng vừa đủ để cày bừa, làm phẳng mặt ruộng và sạ, đảm bảo cho hạt giống mọc mầm và sử dụng thuốc trừ cỏ thuận lợi.
Sau khi lúa mọc mầm ổn định, hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm từ 2 đến 3 ngày thì chonước vào ruộng, giữ mực nước khoảng 1 - 3 cm theo sự phát triển chiều cao của cây lúa cho đến khi bón thúc lần 1 (khoảng 10 ngày sau sạ). Sau khi bón thúc lần 1, để nước tự rút, khi cạn thì tưới lại 2 - 3 cm cho đến khi bón thúc lần 2 (khoảng 20 ngày sau sạ). Giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa sinh trưởng, giữ mực nước thấp trong ruộng ở giai đoạn này sẽ hạn chế cỏ mọc mầm.
Sau khi bón phân thúc lần 2, để ruộng tự khô đến khi thấy nứt nhẹ (nứt chân chim) thì mới cho nước vào từ 3 - 5 cm và tiếp tục để ruộng tự khô trở lại. Lặp lại quá trình “Ướt - Khô xen kẽ” này cho đến khi lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng.
Giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng đến trỗ - chín sữa: Thông thường lúa bắt đầu đứng cái làm đòng ở giai đoạn sau sạ khoảng 40 đến 45 ngày đối với giống ngắn ngày (45 đến 50 ngày đối với giống trung ngày). Thời điểm này, cho nước vào ruộng 3- 5 cm và tiến hành bón phân lần 3 (bón thúc đòng).
Giai đoạn từ đứng cái, làm đòng đến khi trỗ, cây lúa rất cần nước, không được để ruộng khô nước. Tưới theo đợt, khi ruộng vừa cạn thì phải tưới lại để duy trì mực nước trên ruộng từ 3- 5 cm, giúp cây lúa hình thành đòng, trỗ và thụ phấn, thụ tinh được thuận lợi, hạt lúa không bị lép lững.
Giai đoạn lúa trỗ đến chín sữa cần duy trì mực nước trên ruộng khoảng 3-5 cm để lúa nuôi hạt một cách tốt nhất.Khi lúa vào chắc xanh (10 ngày trước khi thu hoạch), tháo cạn nước để mặt ruộng được khô ráo, vừa nâng cao phẩm chất gạo, vừa thuận lợi cho việc thu hoạch.
Một số lưu ý khi tưới nước cho cây lúa: Bà con nông dân cần quản lý tốt cỏ dại trên ruộng lúa: Khi phun thuốc trừ cỏ cho lúa phải đúng kỹ thuật sử dụng cho từng loại thuốc; đặc biệt phải đảm bảo phun đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích. Trong giai đoạn tưới nước “Ướt - Khô xen kẽ” cho lúa (giai đoạn lúa đẻ nhánh), nên kết hợp tốt giữa đợt tưới nước với các đợt bón phân thúc cho lúa. Nếu không có điều kiện thực hiện được tưới nước khoa học, thì trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng nên phơi khô mặt ruộng 2 - 3 lần, cây lúa sẽ sinh trưởng tốt hơn so với để ngập nước thường xuyên.
Quang Giác biên soạn