Tình
trạng xói lở lẫn bồi đắp phía nam biển Cửa Đại đã gây nên nhiều hệ lụy đối với
người dân xã Duy Hải và Duy Nghĩa (Duy Xuyên).
Tiến
thoái lưỡng nan
Chỉ tay ra bờ nam biển Cửa Đại, ông Trần Văn
Hiền (thôn Trung Phường, xã Duy Hải, Duy Xuyên) ngậm ngùi: “Biển càng ngày càng
xâm thực sâu vào khu dân cư. Không chỉ vậy, gia đình tôi bao đời nay sinh kế
bằng nghề rớ, vậy mà đã 2 năm nay không thể kéo rớ được lần nào. Ở lại thì
không thể mà di dời thì làm sao xây được nhà để an cư”. Khi chúng tôi đến bờ
nam biển Cửa Đại đoạn qua thôn Trung Phường, gia đình ông Hiền đang lúi cúi xúc
cát độn vào bao tải để chắn sóng và chắn cát, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình
thế, thậm chí chỉ là… dã tràng xe cát. Thực tế đã cho thấy, trong phạm vi gần
2km đoạn qua thôn Trung Phường, mỗi năm biển ăn sâu vào đất liền đến 50m. Chỉ
mới 2 năm qua, rừng phi lao chắn sóng tại đây đã bị biển nuốt chửng. Đến thời
điểm này, trong số gần 20 hộ dân bị biển đe dọa, chỉ mới có 5 hộ di dời vào khu
tái định cư Xói Lở của thôn Trung Phường. Hàng ngày, 13 hộ dân, trong đó có gia
đình ông Hiền vẫn sinh sống trong cảnh bất an. “Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng
để giúp người dân đầu tư nơi ở mới tại khu tái định cư Xói Lở. Thế nhưng khoản
kinh phí này không đủ giúp người dân xây dựng nhà cửa nên họ vẫn lần lữa… ở
lại” - ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng thôn Trung Phường cho biết.
Xói lở tại bờ nam biển Cửa Đại trực tiếp ảnh
hưởng xấu đến sinh hoạt và sinh kế của người dân thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa.
Đê ngăn mặn của thôn Thuận An đã bị biển gây hư hỏng nặng khiến hàng chục héc
ta đất trồng trọt của người dân tại đây không thể sản xuất được trong năm 2015.
Tương tự xã Duy Hải, các nghề đánh bắt hải sản ven bờ của người dân thôn Thuận
An cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa,
hiện có 6 hộ dân ở thôn Thuận An thấp thỏm vì tình trạng biển xâm thực. “Phải
kỳ công lắm, tuyên truyền nhiều lần, chúng tôi mới có thể di dời được gần 20 hộ
dân tại đây vào sâu trong đất liền sinh sống. Họ sống tạm bợ đắp đổi qua ngày
thì đâu đủ tiền để làm nhà, an cư nơi ở mới” - ông Nam nói. Ông Nam cho biết
thêm, trụ sở UBND xã Duy Nghĩa đóng chân tại thôn Thuận An cũng sẽ bị nạn xâm
thực uy hiếp nếu không đầu tư kè chắn sóng hiệu quả trong thời gian đến.
Cản trở ra khơi
Xói lở đi kèm với bồi tụ đã khiến người dân các
xã Duy Hải và Duy Nghĩa lo lắng. Theo ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND
xã Duy Hải, mỗi năm vùng biển phía nam Cửa Đại bị bồi tụ thêm khoảng 0,5m từ
đất và cát, qua sông Thu Bồn. Hệ lụy là tàu thuyền của ngư dân rất khó luồn
lách để ra khơi. Mới đây, tàu cá QNa-03118 làm nghề rỗi của gia đình ông Trịnh
Mẫn (thôn Trung Phường, xã Duy Hải) bị mắc cạn khi đang tìm mọi cách để cập bờ
bán cá. “Chúng tôi càng loay hoay để đưa tàu cá vào bờ thì lại càng mắc cạn,
phải cầu cứu tàu thuyền của các ngư dân trong thôn mới lai dắt được vào bờ. May
lắm, nếu không thì cá thu mua tại biển đã bị hỏng hết rồi” - ông Mẫn than thở.
Còn ông Võ Quốc Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải thì cho biết:
“Đành rằng Nhà nước đang triển khai dự án nạo vét, khai thông luồng lạch tại
biển Cửa Đại. Điều quan trọng là hiệu quả mà dự án mang lại chưa khả thi đến
thời điểm này. Họ khai luồng không đúng chỗ nên đất và cát cứ lại bồi lấp càng
nặng nề hơn”.
Cửa Đại là nơi “tập kết” dòng chảy của các dòng
sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển. Đây cũng là cửa ngõ ra biển của hàng
nghìn ngư dân của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Hội An. Do rất khó ra
biển nên ngư dân như ngồi trên lửa mỗi khi con nước ròng. “Thủy triều xuống
thấp thì rất khó mà đưa tàu ra biển. Chúng tôi chỉ mong các ngành, các cấp
triển khai nhanh mà hiệu quả dự án nạo vét luồng lạch biển Cửa Đại để chúng tôi
bám biển, khai thác hải sản. Bỏ mỗi chuyến biển chúng tôi thất thu hàng chục
triệu đồng. Không chỉ vậy, các bạn biển mà không gắn bó thì làm sao chúng tôi
đủ lao động để sản xuất được” - ngư dân Nguyễn Trọng (thôn Thuận An, xã Duy
Nghĩa), chủ tàu cá QNa-90324 nói.
Theo UBND xã Duy Nghĩa, nguyên nhân dẫn đến bồi
tụ nơi phía nam biển Cửa Đại là vì các công trình xây dựng mọc lên nhiều nơi
cửa sông đã làm giảm dòng chảy khiến biển bị bồi tụ. Bởi vậy, ngoài nạo vét
luồng lạch thì các ngành chức năng cần phải tính đến những giải pháp lâu dài
như lập quy hoạch, xây dựng các công trình ổn định nơi cửa sông, đánh giá đúng
tác động môi trường của các dự án đầu tư.
NGUYỄN QUANG VIỆT