A+ A A-

Mỹ Sơn trong giai đoạn chiến tranh

           Chiến tranh đã lùi xa, di tích Mỹ Sơn ngày nay cũng đang dần phục hồi, những hoang phế dần khép lại, nhưng lịch sử hào hùng của vùng đất sẽ không bao giờ quên.

          Trước năm 1945, Mỹ Sơn là tên một đơn vị hành chính cấp xã bao gồm các khu vực thuộc xã Duy Phú, Duy Hòa ngày nay, trong đó có phần lớn diện tích là rừng núi thuộc phạm vi khu di tích. Qua nhiều lần tách, nhập, đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám, thì Mỹ Sơn chủ yếu được đặt tên cho đơn vị hành chính cấp làng và thôn. Cùng với các địa danh nổi tiếng trong vùng ít nhiều gắn với các sự kiện lịch sử như Thạch Bàn, Đức Dục, Mỹ Lược, Phú Đa, Giảng Hòa, Mậu Chánh. Mỹ Sơn cũng là nơi chứng kiến, trải qua những giai đoạn hết sức cam go của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.

         

Các thế hệ cùng đoàn viên thanh niên viếng hương nghĩa trang liệt sỹ xã Duy Tân         

          Vốn là một địa bàn có địa hình núi non hiểm trở, một bên sườn núi phía Đông án ngữ, một bên là dòng sông Thu Bồn nên từ những giai đoạn đầu thực dân Pháp xâm lược, căn cứ Hòn Tàu-Mỹ Sơn đã trở thành địa bàn xây dựng phong trào cách mạng và cũng là nơi xảy ra các cuộc tấn công của địch. Người dân trên địa bàn vốn có truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất nên đã không chịu khuất phục kẻ địch, nhiều cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang từ khi Pháp xâm lược trong đó có phong trào Nghĩa hội hưởng ứng chiếu Cần Vương, phong trào chống sưu cao thuế nặng, các sự kiện chính trị này gắn liền với những tên tuổi cách mạng như Nguyễn Duy Hiệu, Lê Quang Sung.

          Sự kiện tháng 7 năm 1930, phủ ủy lâm thời Duy Xuyên thành lập có một vai trò hết sức quan trọng, lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng nhân dân trên địa bàn. Cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp đầu tiên dưới sự lãnh đạo của phủ ủy Duy Xuyên tại vùng đất gắn với địa bàn Mỹ Sơn là sự kiện vào tháng 6 năm 1931, quan lại địa phương phát lệnh cấm không cho người dân vào núi khai thác lâm sản theo chỉ lệnh của Pháp để chúng độc quyền khai thác, quá uất ức với lệnh cấm vô lý và việc thu giữ dụng cụ sản xuất, hàng trăm người dân trên địa bàn đã kéo đến trước cửa rừng Mỹ Sơn đấu tranh làm tên quan Pháp và đám lính phải bỏ chạy. Cuộc đấu tranh chính trị đã thắng lợi hoàn toàn, cổ vũ phong trào cách mạng phát triển. Tiếp đến vào ngày 1 tháng  3 năm 1937, phái đoàn của chính phủ bình dân Pháp do Nghị sĩ Giuyt Go–da dẫn đầu thăm thắng cảnh Mỹ Sơn và đập Thạch Bàn, các tổ chức quần chúng đã vận động nhân dân các làng Phú Nhuận, Mỹ Sơn, Mậu Chánh tập trung vào tháp Mỹ Sơn và đập Thạch Bàn dương khẩu hiệu “Ủng hộ mặt trận Bình dân Pháp” và đưa bản “Dân nguyện” lên phái đoàn của Gô-da nằm phản ánh thực tế tình hình đời sống người dân dưới chế độ thực dân phong kiến.

          Vào năm 1941, phủ ủy Duy Xuyên chính thức thành lập đã lãnh đạo nhiều sự kiện đấu tranh phát triển mạnh mẽ. Vào tháng 10 năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân trong vùng đã tổ chức cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại cường hào bao chiếm, bao tá công điền dành giật 8 mẫu lúa chín ở Đồng Bò, Hóc Nếp khu vực phía ngoài Mỹ Sơn.

          Sau năm 1945, sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử đấu tranh của người dân trong vùng là việc ra đời chi bộ Sông Lô vào ngày 21 tháng 11 năm 1946, lãnh đạo trực tiếp cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Các địa điểm gắn với địa bàn Mỹ Sơn trong cuộc đấu tranh vũ tranh và đấu tranh chính trị của quân và dân trong vùng là Chợ kháng chiến Gò Sim, Đồi 45, làng Ao Vuông, bốt Mỹ Sơn. Ngoài các địa danh trên, trong vùng thung lũng còn có địa điểm là dốc Đá Trắng, Vườn Gieo, Nà Thắng. Vào bên trong khu vực rừng Mỹ Sơn có bệnh xá 78 đóng tại khu vực núi Hòn Tàu.

          Chợ khánh chiến Gò Sim là một trong những nơi có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh của nhân dân trong giai đoạn 1945 – 1954. Chợ nằm ở làng Ao Vuông, là địa điểm thu hút nhân dân các xã vùng lân cận trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống người dân nhưng đồng thời là nơi thu thập thông tin, tập kết hàng hóa cho kháng chiến.

          Làng Ao Vuông là nơi trụ sở xã Duy Nhất (hình thành năm 1948, hợp nhất các xã Mỹ Phú, Mỹ Thạch, Thu Hòa, Phú Hòa) đóng lưu động. Vùng đất khu vực trong thung lũng Mỹ Sơn cũng là nơi mở các trại sản xuất lương thực vì nằm ở vị trí sát núi xa các đồn giặc.

          Giai đoạn từ 1954 đến 1975, khu vực tháp Mỹ Sơn là địa bàn xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Năm 1956, chính quyền chia lại các đơn vị hành chính, xã Duy Lâm và xã Duy Phú sáp nhập lại thành xã Xuyên Phú. Giai đoạn này, lực lượng du kích của ta phát triển mạnh, phong trào đấu tranh chính trị nổ ra mạnh mẽ, đặc biệt là chống lại việc đuổi dân cướp đất, phá hoại tài sản hoa màu của nhân dân để xây dựng khu kỹ nghệ An Hòa.

          Tháng 8 năm 1962, tại dốc Đá Trắng, ta phục kích bẽ gãy cuộc càn quét của địch vào núi Mỹ Sơn. Tiếp đó, phục kịch địch tại Khe Thẻ tiêu diệt 28 tên, bắt sống 5 tên và thu 21 súng các loại.

          Trong giai đoạn năm 1966, khu An Hòa – Đức Dục, trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ lập thành căn cứ đóng quân, Mỹ cũng tiến hành xây sân bay An Hòa cùng các trận địa pháo và thiết bị quân sự tối tân hiện đại ở khu vực này.

          Trận đánh Mỹ đầu tiên của quân và dân xã Xuyên Phú là chống lại càn quét của Mỹ tại cầu Bà Tiệm đến Chợ Than tiêu diệt trung đội Mỹ, thu toàn bộ vũ khí. Thời gian này, khu vực Hòn Tàu – Mỹ Sơn, không quân Mỹ đã sử dụng B52 nhiều lần rãi bom và cho biệt kích thọc sâu đánh phá để ngăn chặn sự lớn mạnh và giảm sức chiến đấu của lực lượng ta. Ngày 25 tháng 7 năm 1967, 13 xe bọc thép M113, 2 xe rà mìn cùng một lực lượng lớn quân địch đã tổ chức đánh vào khu vực rừng núi Mỹ Sơn, đợt tấn công này đã phá hủy nhiều nhóm tháp quan trọng trong di tích trong đó có việc phá hủy tháp A1 (còn gọi là tháp Chùa).

          Do nằm trong tầm bắn của pháo địch từ chi khu An Hòa, hằng đêm, di tích Mỹ Sơn đã phải hứng chịu nhiều loạt đại bác bắn phá, nhiều nhóm tháp còn lại của di tích bị chôn vùi, sụp đổ, biến thành hoang phế. Nhưng những kiến trúc còn lại cũng không thoát khỏi tình cảnh bị bom đoạn cày sới, khi vào tháng 10 năm 1970, lơi dụng tình hình lũ lụt, địch đã dùng máy bay, xe lội nước càn quyết nhiều nơi, dùng trực thăng biệt kích truy lùm cũng như máy bay mém bom hủy diệt đánh phá khu vực rừng núi thung lũng Mỹ Sơn. Năm 1974, để ngăn Liên đoàn biệt động quân 12 của địch khi mở đường từ Thạch Bàn lên Trung Phước tái chiếm Nông Sơn-Trung Phước, đồng thời tránh để địch xâm nhập phá hủy những công trình kiến trúc còn lại, ta đã phục kích trên các sườn núi đánh thắng một lực lượng lớn của chúng.

          Những thắng lợi liên tục của quân dân địa phương đã mở ra thời cơ cách mạng, đánh đuổi giặc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên các mặt trận, quân và dân Xuyên Phú tổ chức bao vây đánh địch. Cụ thể là ngày 10 đến ngày 13 tháng 3 năm 1975, các chốt địch ở Gò Bao, Gò Hiu, Gò Bà Mỹ xung quanh Mỹ Sơn được giải phóng. Ngày 25 tháng 3 năm 1975, ta bao vây áp sát đòn bót quận lỵ Đức Dục. Ngày 27 tháng 3 năm 1975, thì tấn công chiếm lĩnh quận lỵ Đức Dục, cuộc khánh chiến hoàn toàn thắng lợi.

          Chiến tranh đã lùi xa, di tích Mỹ Sơn ngày nay cũng đang dần phục hồi, những hoang phế dần khép lại, nhưng lịch sử hào hùng của vùng đất sẽ không bao giờ quên.

Văn Khoa

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

22303959
Hôm nay
Hôm qua
3636
9906