Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh tại cuộc làm việc với lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Duy Xuyên về tình hình hoạt động của đơn vị sau khi chuyển giao về huyện quản lý, diễn ra sáng ngày 16.9.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh phát biểu tại cuộc làm việc sáng nay 16.9. Ảnh: HOÀI NHI
Ông Lê Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Duy Xuyên cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng thời gian qua đơn vị luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo đó, tuy số lượng học sinh ít và chất lượng đầu vào còn yếu nhưng trung tâm vẫn duy trì 3 lớp 10, 11, 12. Riêng năm học 2015 - 2016 vừa qua, tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp đạt 100%, trong đó có 37% đậu đại học. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức mở 13 lớp dạy nghề cho gần 400 lao động nông thôn gồm chăn nuôi gà, thú y, may công nghiệp. Đồng thời, đơn vị liên kết với một số trường đào tạo trình độ đại học sư phạm mầm non liên thông, trung cấp thiết kế sản phẩm mộc dân dụng, bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng nuôi dạy trẻ... Đặc biệt, trung tâm thường xuyên phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Ô tô Chu Lai - Trường Hải và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tổ chức đào tạo, kiểm định tay nghề, giới thiệu việc làm cho rất nhiều lao động sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên, có những mặt hạn chế đang nổi lên đối với trung tâm hiện nay là việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy, mức thu học phí theo quy định của UBND tỉnh quá thấp nên khó có đủ điều kiện duy trì lớp học. Ngoài ra, một số mối liên kết đào tạo nghề còn mang tính thời vụ, chưa thường xuyên…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ đơn vị và chia sẻ với những khó khăn đang gặp phải. Đồng chí Lê Văn Thanh yêu cầu trong thời gian đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Duy Xuyên cần tập trung khắc phục nhanh những tồn tại, phát huy thế mạnh cơ sở vật chất khang trang để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nghề ở địa phương. Đồng thời, chủ động khảo sát nhu cầu lao động - việc làm để có định hướng đào tạo phù hợp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội...
HOÀI NHI