Để chủ động phòng chống dịch
bệnh mùa mưa bão, ngành y tế đã triển khai các biện pháp một cách đồng bộ nhằm
kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung
ương, năm 2013 mưa, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta
khoảng 6 - 7 cơn, lượng mưa nhiều hơn hằng năm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã
tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt, thành lập các đội phòng chống
dịch lưu động, phân công cán bộ có trách nhiệm phụ trách từng xã, phường để
theo dõi và chỉ đạo công tác xử lý môi trường, giám sát các dịch bệnh nguy hiểm
thường xảy ra trong và sau bão lụt. Ông Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế
dự phòng tỉnh cho biết: “Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể với từng địa
phương theo 4 phương châm tại chỗ, đảm bảo 100% người dân trong vùng ngập lụt
được dùng nước sạch, hạn chế dịch bệnh có thể bùng phát”. Theo đó, sẽ triển
khai các biện pháp làm trong nước bằng phèn chua hoặc chất tạo keo sau đó khử
khuẩn nước bằng Cloramin B; dọn dẹp bùn ứ đọng, vận động nhân dân thu gom và xử
lý rác thải, xử lý phân đã được tuyên truyền về tận hộ ở các vùng thường xuyên
xảy ra ngập lụt. “Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã chuẩn bị cơ bản
về cơ số thuốc, các trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó trước mưa lũ.
Trong đó, chú trọng các loại thuốc chuyên trị một số bệnh thường xảy ra trong
mùa lũ như: da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết… Ngoài ra, các cơ sở
y tế chủ động vận dụng phương thức tại chỗ, chuẩn bị thêm bông, băng, gạc... để
phục vụ sơ cứu kịp thời, các loại thuốc khử trùng khác như Cloramin B, hóa
chất” - ông Võ Quang Lợi cho biết thêm.
Công tác vệ sinh xử lý môi trường sau lụt cũng là vấn đề
được quan tâm hàng đầu. Sau lụt, môi trường bị ô nhiễm do rác thải và xác nhiều
động vật, sinh vật chết làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt của
người dân. Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị rà soát và kiểm tra lại hóa
chất, vật tư, phương tiện phòng chống dịch tại địa phương; tăng cường giám sát
và phát hiện kịp thời các loại bệnh dịch nguy hiểm, nếu bệnh xảy ra phải nhanh
chóng tập trung xử lý để dịch không lan rộng, không kéo dài, không để tử vong.
Hiện nay, các cơ sở y tế địa phương cũng đã tiến
hành tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực
phẩm, ăn chín uống sôi, hạn chế các thức ăn tươi sống, chế biến và bảo quản
thức ăn đảm bảo vệ sinh. Rút kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh những năm trước,
Sở Y tế đã phối hợp với chính quyền và các ngành ở địa phương chủ động kiểm tra
việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị cơ sở vật chất,
phương tiện, công tác kiểm tra trước, trong và sau lũ lụt. Đề nghị các huyện,
thành phố có kế hoạch phân bổ 2/3 lượng hóa chất cho các xã, phường… Trung tâm
Y tế dự phòng tỉnh đã cấp đủ Cloramin B, phèn chua cho các địa phương, cấp phát
hóa chất về tận hộ ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước
khi có bão, bên cạnh đó cấp bổ sung cho các địa phương bị thiệt hại nặng do bão
lụt.
Nguồn Báo Quảng Nam