Đưa sản phụ đi sinh trong lũ
Sau lũ lụt dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Các bệnh về da liễu thường gặp mùa lũ lụt như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân, mẩn ngứa. Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Viêm kẽ do vi khuẩn: Bệnh cũng do thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh
Nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Do đó, bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Đây là bệnh rất dễ lây và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không được phòng tránh kịp thời.
Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/lăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
Bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn thường gia tăng đáng kể sau mưa bão. Nguyên nhân là do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Ngoài ra, những bệnh này cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh. Các triệu chứng cơ bản thường gặp của những bệnh này là đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Vì vậy, người dân cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội sinh sôi, phát triển.
Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau lũ.
Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1g phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B. Choloramine B dạng viên 0,25g rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, một viên 0,25g dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn. Thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nước, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) kể cả thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.
Môi trường sống bị ô nhiễm do các chất phế thải của động vật và thực vật, xác súc vật, sau lũ phải khẩn trương dọn vệ sinh môi trường: vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà. Lau rửa sạch sàn nhà, thau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch dụng cụ chế biến thức ăn. Khơi thông cống rãnh, không để nước đọng. Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và phun thuốc phòng dịch bệnh.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa cần ăn chín uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn./.
Bs Lê Thị Thảo Nguyên