Với sự năng nổ, nhiệt tình, hàng ngày đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số
các vùng biển đảo đều bám ngư dân để truyền thông vận động, góp phần cải thiện
chất lượng dân số.
Đến từng nhà, rà từng
đối tượng
CTV dân số Nguyễn Thị Tương “bám” ngư dân để truyền thông, vận động. Ảnh: L.NHI
Mỗi sớm, khi ghe
thuyền cập bến là lúc chị Nguyễn Thị Tương - CTV dân số thôn Trung Phường, xã
Duy Hải (Duy Xuyên) bắt đầu công việc của mình. Hơn 20 năm gắn bó với công tác
dân số, chị Tương nắm rõ thời gian đi biển và trở về của ngư dân để đến gặp gỡ,
tuyên truyền vận động, tư vấn, giới thiệu các phương tiện tránh thai để họ nâng
cao ý thức và tự giác thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị Tương
tâm sự: “Tuyên truyền vận động ngư dân thực hiện công tác DS-KHHGĐ là rất khó,
bởi họ suốt ngày đi biển, khó tiếp cận. Trong khi đó tư tưởng của đa số người
dân miền biển là sinh nhiều con vì cần con trai để đi biển. Do đó CTV dân số
phải kiên trì tuyên truyền, vận động, phối hợp tích cực với các đoàn thể như
nông dân, phụ nữ... mới mang lại kết quả. Đáng mừng là bà con ngư dân trong
thôn đã nhận thức và thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, mấy năm nay thôn không có
người sinh con thứ ba trở lên”.
Các địa phương ven
biển Quảng Nam hiện có hơn 4.000 CTV dân số. Riêng tại 49 xã triển khai đề án
Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) của tỉnh có đội ngũ
CTV dân số ổn định với gần 830 thành viên. Với sự năng nổ, nhiệt tình, các CTV
dân số đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” gặp gỡ ngư dân để tư vấn, giới thiệu, cung
cấp các phương tiện tránh thai. “Mưa dầm thấm lâu”, vượt qua những trở ngại ban
đầu, dần dà ý thức thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ của cư dân vùng biển cũng
có sự chuyển biến. Chị Phạm Thị Mỹ Hương, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp
(TP.Hội An) cho biết: “Mỗi năm, chị em chúng tôi được tham gia 2 - 3 đợt chiến
dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ do Đề án 52 triển khai. Qua đó, chị em hiểu
về tình dục an toàn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thực hiện các biện pháp
KHHGĐ. Bà con ngư dân cũng đã thay đổi nhận thức, tự giác thực hiện quy mô gia
đình nhỏ có 1 hoặc 2 con để đảm bảo cuộc sống, có điều kiện nuôi dạy con tốt
hơn”.
Nâng cao năng lực
truyền thông
Từ năm 2009 đến nay,
Ban quản lý Đề án 52 tỉnh Quảng Nam phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và các
trung tâm DS-KHHGĐ tổ chức 619 đợt truyền thông tại cộng đồng có lồng ghép với
cung cấp dịch vụ; gần 198.400 lượt CTV, cán bộ dân số tư vấn trực tiếp tại nhà
đối tượng. Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Phó Trưởng ban
quản lý Đề án 52 tỉnh đánh giá: “Các đợt chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ tại
những vùng khó khăn ven biển, hải đảo thành công là có sự nỗ lực rất lớn của
đội ngũ CTV dân số - những người không ngại khó để tuyên truyền, vận động, góp
phần tạo sức lan tỏa của Đề án 52 nói riêng và công tác DS-KHHGĐ của toàn tỉnh
nói chung”.
Để phát huy vai trò
của CTV dân số tại vùng ven biển, hải đảo, Ban Quản lý Đề án 52 tỉnh cần tiếp
tục nhân rộng các mô hình “Điểm tư vấn và dịch vụ KHHGĐ miễn phí” tại các xã
triển khai đề án và các địa phương ven biển. Thực tế triển khai các điểm tư vấn
này ở khu vực bến cá Trung Phường (xã Duy Hải) và khu vực âu thuyền Hồng Triều
(xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đã phát huy hiệu quả rất tốt. Sau những chuyến đi
biển trở về, ngư dân và vợ của họ sẽ được đáp ứng các dịch vụ KHHGĐ cần thiết
tại chỗ như cấp phát bao cao su, thuốc tránh thai... Chị Lê Thị Ân - CTV dân số
thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa cho biết: “Điểm tư vấn và cung cấp dịch vụ là nơi
chị em thường hay tới để được tư vấn về KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
và nhận các tờ rơi, dịch vụ cần thiết. Những CTV tư vấn như chúng tôi phải
thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn tại chỗ; đồng
thời trực tiếp đến nhà các cặp vợ chồng để tìm hiểu, tuyên truyền vận động và
cung cấp dịch vụ KHHGĐ”.
Theo ông Mai Văn
Mười, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn để
nâng cao năng lực cho những người làm công tác dân số, đặc biệt là đội ngũ CTV
vùng ven biển đảo để nâng cao năng lực truyền thông công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc
sức khỏe sinh sản. “Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân vùng
biển đảo, từ nay đến năm 2020 Đề án 52 tiếp tục triển khai nhiều mô hình, dự án
thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và
nâng cao hiệu quả truyền thông lồng ghép dịch vụ ở vùng biển đảo. Đồng thời
chúng tôi tập trung các giải pháp đồng bộ cùng với các cấp, ngành duy trì bền
vững mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con lần thứ ba trở lên và giảm tỷ suất
khi sinh (bé trai/bé gái) ở vùng triển khai đề án” - ông Mười nhấn mạnh.
LÊ PHƯỚC LAN NHI