Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nguyên tắc của lì xì
là người trên ban phát cho dưới, không có ngược lại.
Người trên ban phát cho dưới
Tết Nguyên đán, trẻ em thường được người lớn trao tặng chiếc
phong bì nhỏ có trang trí màu sắc rực rỡ, bên trong có tiền. Đó là tục lệ lì xì
hay mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ trẻ em mà ông bà, cha mẹ (tuổi cao) cũng nhận được “phong bì đỏ” từ
con cháu.
Trong một cuộc trò chuyện với PV về tục lệ trong ngày Tết Nguyên
đán, các nhà nghiên cứu văn hóa tại Cục Văn hóa Cơ sở – Bộ VHTT-DL nói rằng,
phong bao lì xì hay mừng tuổi là vật trung gian để truyền tải
mong muốn của người này đến người khác. Ví dụ, ông bà lì xì cho con cháu một
“phong bao đỏ”, qua đó cầu chúc con cháu mạnh khỏe, gặp nhiều điều may mắn, tốt
đẹp trong năm tới.
Nguyên tắc của lì xì là người trên ban phát cho
dưới, người lớn tuổi đối ban phát cho người ít tuổi, không có ngược lại. Do
vậy, nếu con cái lì xì bố mẹ là không đúng với nguyên tắc ban đầu.
Con cái chỉ được có quà hoặc sản phẩm của mình để báo công,
báo hiếu bố mẹ về thành quả sau một năm lao động. Qua vật đó, chúc bố mẹ sống
lâu, khỏe mạnh... Nếu không có sản phẩm, có thể biếu chút tiền để chúc ông bà,
bố mẹ mạnh khỏe, sống lâu, không phải lao động vất vả, lấy tiền mua thuốc bổ
uống.
Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn
Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, tục phát vốn, lì xì ngày Tết
là một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo phong tục, người lớn phát
vốn hay lì xì cho trẻ nhỏ, con cái mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà.
Lì xì là người trên giúp người dưới có cơ may, tạo cho người
dưới có vốn ăn. GS Thêm nói rõ, “vốn” ở đây mang tính tượng trưng nên không
quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì. Điểm đáng chú ý, tiền lì xì
thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
GS Trần Ngọc Thêm cho biết thêm, không chỉ trẻ nhỏ mà người
già cả cũng được nhận “phong bao đỏ” từ con cháu. Nhưng lưu ý, người già phải
đạt đến “mức tuổi thọ nhất định”. Bởi truyền thống xưa trọng người có tuổi,
thêm tuổi tức là thọ. Mừng tuổi chúc ông bà thọ lâu đồng thời cũng có ý nghĩa
để ông bà có “đồng ra đồng vào”.
“Tiền lì xì cho trẻ em không cần để ý nhiều ít, nhưng mừng
tuổi ông bà thì càng nhiều càng tốt, tùy vào khả năng của con cháu”, GS nói.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm
“Không được tham tiền”
Các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo, tục lì xì đang dần bị
“biến đổi” trong cuộc sống hiện đại. Đáng ngại nhất, nhiều người rất coi trọng
mệnh giá tiền trong phong bao lì xì. Đôi khi, lì xì nhiều – ít, dày – mỏng được
mang ra làm thước đo tình cảm.
Ông Vương Duy Bảo (Cục Văn hóa Cơ sở – Bộ
VHTT-DL) cho rằng, tiền lì xì chỉ là vật trung gian để truyền tải mong muốn của
người này đến người khác. Ông khẳng định “ít nhiều không quan trọng”.
Ông nói: “Cơ chế thị trường làm cho người ta bắt đầu soi mói
nhau đến số tiền lì xì “ít nhiều” như thế là trái đạo lý”. Cũng theo ông, quan
niệm lì xì nhiều tình cảm nhiều, may mắn nhiều là “hoàn toàn sai”.
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, tiền lì xì có ý nghĩa tượng
trưng nhiều hơn là giá trị vật chất. Do vậy, tiền lì xì không quan trọng vấn đề
mệnh giá. Nếu trẻ em xem trọng số lượng tiền lì xì là lỗi tại sự giáo dục trong
gia đình.
Do vậy, cha mẹ cần giáo dục con cháu hiểu đúng ý nghĩa tốt
đẹp của tục lì xì, không được tham tiền. Sau này, trẻ coi trọng đồng tiền hơn tình
cảm bố mẹ thì chính bố mẹ phải trả giá.
Nguồn gốc tục lì xì
Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết
Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái
thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc
khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc
cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh
được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này
sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.
Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy
giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con
yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe
lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.
Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho
bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành
phong tục tiền mừng tuổi đầu năm.
Nguồn tin: 24h.com.vn