Tưởng như cái mộc mạc, dân dã của những làn điệu dân ca lép
vế trước cái vui tươi của Pop, cái cuồng nhiệt của Flamenco, cái sôi
động của Rock... Thế nhưng, qua chương trình “Đưa dân ca vào học đường”
đã được nhiều trường học ở Quảng Nam triển khai, những làn điệu dân
ca ấy lại được thăng hoa từ chính tâm hồn của lớp trẻ.
Dân ca vào trường
học
Năm học 2003 – 2004, phòng GD – ĐT H. Duy Xuyên chủ động chọn hai
trường THCS và Tiểu học trên địa bàn huyện để mở lớp dạy các làn
điệu dân ca xứ Quảng. Tuy chỉ thành công ở một trường, nhưng việc mở
lớp giảng dạy cũng đem lại những lợi ích thiết thực. Theo anh Võ
Viết Quang, cán bộ Phòng VH–TT H. Duy Xuyên, người tham gia giảng dạy,
đây chỉ là bước khởi đầu, đem lại nhiều kinh nghiệm cho các cán bộ
làm công tác văn hóa sau này. Đầu năm học 2008–2009, Phòng GD – ĐT H.
Duy Xuyên phối hợp với Phòng VH–TT H. Duy Xuyên chọn trường THCS Nguyễn
Bỉnh Khiêm và trường TH số 1 Duy Vinh (cùng thuộc xã Duy Vinh, Duy
Xuyên) để thực hiện thí điểm việc mở các lớp giảng dạy dân ca –
đồng dao.
Việc giảng dạy được thực hiện bởi các cán bộ công tác văn hóa,
văn nghệ của phòng VH – TT, nội dung giảng dạy bao gồm các làn điệu
dân ca, hò vè, đồng dao ở Quảng Nam và các vùng miền khác trong cả
nước như hò Quảng, các điệu cổ bản, xàng xê, xuân nữ... Dưới sự chỉ
đạo của Phòng GD - ĐT, các trường chủ động sắp xếp phòng học, lịch
học. Các giáo viên cũng tiến hành dạy lồng ghép với các tiết học
của các môn văn học, âm nhạc. Theo lộ trình này, đến cuối năm học
2009–2010, đã có 9 lớp học dân ca, đồng dao thuộc 9 trường được
tổ chức trên địa bàn H. Duy Xuyên. Bên cạnh đó, từ 2 năm qua, Phòng
VH–TT cũng phối hợp với Phòng GD-ĐT tổ chức nhiều đêm liên hoan tiếng
hát dân ca học sinh, với sự tham gia đông đảo, hăng hái của các em học
sinh, có giải thưởng hẳn hoi.
Tương tự, đến nay H. Quế Sơn (Quảng Nam) đã mở được 3 lớp dạy dân
ca; huyện đã tổ chức 2 đợt thi cho bậc học mầm non và cho các cán
bộ giáo viên toàn ngành. Bây giờ, các lớp học dân ca đã hoạt động
ổn định. Hàng năm, Phòng GD–ĐT cũng phối hợp với Phòng VH–TT hai
huyện tổ chức thêm các lớp tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ,
giáo viên làm công tác quản lý, công tác đoàn thể và giảng dạy các
bộ môn nghệ thuật trong nhà trường.
Tất cả hoạt động trên không ngoài mục đích bảo tồn và phát huy
giá trị loại hình dân gian truyền thống, đồng thời định hướng năng
khiếu thẩm mỹ cho các em học sinh. Chị Đoàn Thị Tuyết Hoa, cán bộ
Phòng VH–TT, chia sẻ: “Là những người làm công tác văn hóa, chúng tôi
tự thấy phải có trách nhiệm lưu giữ và truyền đạt những giá trị
văn hóa của quê hương cho thế hệ trẻ. Chính sự nhiệt tình từ các em
học sinh đã làm chúng tôi có thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ
của mình”.
Khơi gợi niềm đam
mê
Theo chị Hoa, bước đầu, việc thực hiện chương trình giảng dạy gặp
không ít khó khăn. Khi những cán bộ Phòng VH – TT đặt vấn đề về việc
mở lớp giảng dạy dân ca, đồng dao với các trường, Ban giám hiệu nhà
trường rất băn khoăn là khi thông báo đến học sinh, có em nào đăng ký
theo học hay không? Nhưng rồi, trường cũng chọn được khoảng mươi em có
năng khiếu ca hát, lớp học được mở ra mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi từ
3 đến 4 tiết học. Các em được những cán bộ công tác văn nghệ của
trung tâm văn hóa huyện bày vẽ bằng những cách học trực quan sinh
động, như chỉ dẫn từng lời hát, đánh đàn đệm theo, cho các em làm
quen với những nhạc cụ cổ truyền, xem những đĩa nhạc dân ca, đồng dao
để minh họa. Từ những buổi học ban đầu như thế, đã có những em học
sinh trong trường đến “dự thính”, đã thích thú, bị lôi cuốn lúc nào
không hay, xin đăng ký vào học.
Sau khi kết thúc một khóa học chừng 4 tuần, các em được các thầy
cô dàn dựng thành chương trình biểu diễn để “báo cáo” kết quả học
tập trước sự chứng kiến của các thầy cô giáo trong trường, cùng các
đại biểu của Phòng GD-ĐT, Phòng VH–TT. Em Văn Thị Thanh Kiều (học sinh
lớp 8/1 trường THCS Lương Thế Vinh, xã Duy Trung, Duy Xuyên) chia sẻ:
“Lúc đầu em cũng không thích dân ca lắm, nhưng khi được thầy cô chỉ
bảo nhiệt tình, em dần dần thích. Bây giờ, em đã có thể hát được
dân ca. Em nghĩ, lớp trẻ tụi em cần phải bảo tồn loại hình truyền
thống này”.
Thầy Lê Trung Thiêng, Phó trưởng phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên hồ hởi:
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy, thay
vì chỉ chọn những em có năng khiếu ca hát để đăng ký vào lớp, chúng
tôi còn chọn những em thuộc ban cán sự lớp, rồi những em này sẽ
truyền đạt kiến thức về dân ca cho những học sinh khác trong lớp”.
Thầy Lê Trung Thiêng cho biết thêm: “hiện nay công tác đưa dân ca vào
trường học ở Duy Xuyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc giảng dạy
dân ca trên địa bàn huyện chỉ có hai giáo viên là hai cán bộ của
Phòng VH – TT phụ trách, các giáo viên này lại không có những chế độ
đãi ngộ nhất định”.
Thầy cũng cho rằng, bình thường việc dạy theo chương trình chính
khóa thì 2-3 tiết ôn tập là học sinh sẽ học hết một bài nhạc. Tuy
nhiên dân ca là loại khó, ít nhất sẽ mất 4-5 tiết ôn tập mới hết
một bài. Thầy đề xuất: “Nếu để chương trình hoạt động tốt hơn nữa,
rất cần thêm sự ủng hộ của các cấp ngành về chế độ đãi ngộ cho
giáo viên giảng dạy, đồng thời cũng tạo ra những quy chế riêng biệt
để các loại hình âm nhạc cổ truyền được phổ biến rộng rãi hơn nữa
đối với các em học sinh”.
Còn chị Đoàn Thị Tuyết
Hoa thì chia sẻ, mấu chốt của vấn đề là dân ca phải như thế nào và
dạy làm sao để các em yêu thích dân ca. “Làn điệu chỉ là cái nền,
các tác giả giờ đã phả vào dân ca hơi thở cuộc sống thông qua ca từ;
chứ dân ca chừ đâu có lèm nhèm chuyện tình chàng ý thiếp, lời kỹ
nữ ru buồn. Bây giờ, cũng vẫn làn điệu cũ, nhưng với việc đặt lời
mới, cái chất than thở đã không còn bi lụy sầu thương, mà nội dung
lời ca là những gì diễn ra xung quanh cuộc sống các em. Từ đấy, các
em mới yêu thích dân ca được” – chị Hoa nói.
Mai Thành
Dũng