Bốn ngôi tháp Chăm A10, H, L, G4 tại Khu di sản Mỹ Sơn đang được các chuyên gia Ấn Độ và Italia tiến hành khảo cổ, trùng tu, mở ra nhiều kỳ vọng về sự hồi sinh những đền tháp nơi đây trong thời gian không xa.
Nhóm tháp H là một trong 3 công trình nằm trong dự án bảo tồn các tháp Chăm Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí.
Từ đầu năm đến nay, hàng chục công nhân dưới sự chỉ huy của các chuyên gia Ấn Độ đã khẩn trương trùng tu nhóm tháp H. Đây là công việc kế tiếp trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về bảo tồn, tôn tạo Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” (trùng tu 3 nhóm tháp K, H, A với kinh phí 160 triệu rupee, tương đương 53 tỷ đồng), triển khai từ năm 2016 đến 2021.
Qua 3 năm thực hiện, dự án đã kết thúc giai đoạn 1 với việc hoàn tất công tác bảo tồn tôn tạo nhóm tháp K, đủ điều kiện đưa nhóm tháp này vào phục vụ khách tham quan. Theo ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cách thức trùng tu tháp H chủ yếu theo phương pháp sử dụng vôi vữa, dầu rái - vật liệu được xem là tương tự người Chăm xưa đã dùng trong xây dựng đền tháp Mỹ Sơn.
Phương pháp trùng tu sử dụng vật liệu vôi vữa và dầu rái. |
“Sau khi kết thúc giai đoạn 2 trùng tu nhóm tháp H vào tháng 6.2019, dự án sẽ tiếp tục chuyển sang tháp A10 thuộc nhóm A. Hiện tại, một số công nhân đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh tháp sẵn sàng cho việc bảo tồn nhóm tháp này” - ông Khiết thông tin.
Ngoài những công trình trên, 2 tháp khác là L và G4 cũng đang được các chuyên gia Italia triển khai tại Mỹ Sơn. Trong đó, nhóm tháp L được đánh giá tương đối đặc biệt. Ngoài vị trí nằm độc lập trên đồi cao, đây cũng là ngôi tháp hiếm hoi chưa có sự can thiệp kỹ thuật của con người từ trước đến nay.
Gạch mới dùng để trùng tu được xem là tương đương gạch Chăm cổ. |
Kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, việc khai quật, trùng tu tháp L và G4 nằm trong chương trình thực tế của Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa Quảng Nam” nhằm đào tạo chuyên sâu nguồn giảng viên, cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di tích văn hóa. Chương trình dự kiến kết thúc vào tháng 6.2019, sau đó sẽ có dự án tiếp theo nhằm hoàn tất quá trình bảo tồn 2 tháp này.
Lịch sử khu đền tháp Mỹ Sơn từng chứng kiến sự tồn tại của hơn 70 công trình kiến trúc với niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, hiện chỉ còn hơn 20 đền tháp nhưng hầu hết ở dạng phế tích. Việc bảo tồn trùng tu các tháp hứa hẹn góp phần hồi sinh lại những đền tháp Mỹ Sơn như nó vốn từng hiện hữu trong quá khứ.
Một bức tường tháp H đã hoàn thành trùng tu.
Việc trùng tu được thực hiện tỉ mẩn và khoa học.
Vật liệu xây tháp gồm vôi, bột gạch được trọn đều nhau
Tháp L đang được phát lộ khai quật..
hóm tháp A là một trong 3 nhóm tháp của Mỹ Sơn nằm trong dự án bảo tồn của các chuyên gia Ấn Độ.
KHÁNH LINH