Sự “đứt gãy” hàng trăm năm trong việc tiếp quản di tích cũng như thiên nhiên xung quanh Khu đền tháp Mỹ Sơn khiến nhiều thông tin đặc sắc về rừng núi khu vực này trở thành những huyền tích, giai thoại.
Rừng Mỹ Sơn gắn với nhiều câu chuyện hư thực. Ảnh: QUỐC TUẤN
Những câu chuyện hư thực
Trầm tích ở Mỹ Sơn “đứt quãng” hàng trăm năm với biết bao thế hệ nên thông tin ở di sản này không được liền mạch, từ đó sinh ra những câu chuyện mang sắc màu huyền tích.
Bàn về Mỹ Sơn, trước đây, cố GS.Trần Quốc Vượng từng đề cập câu chuyện, ở vương quốc Chăm pa xưa có nhiều dân tộc, trong đó người Chăm là một bộ phận. Người Chăm cư ngụ chủ yếu ở vùng đồng bằng, ven biển và có tổ chức nhà nước bài bản hơn. Trong khi đó, ở khu vực vùng trung du và phía tây Quảng Nam thì có các đồng bào thiểu số cư trú từ lâu đời mạnh về săn bắn, hái lượm.
Vùng Mỹ Sơn là trung tâm của hoạt động săn bắn, thời điểm đó không gian rừng núi rất mở, muốn đi săn hiệu quả thì phải tấn dồn thú lại, do đó Mỹ Sơn với địa hình lòng chảo được ví như “rốn” của việc săn bắn khu vực trung du Quảng Nam.
Sau khi săn bắn được thì người ta thường làm lễ tạ thần linh, núi non. Dần dà, khi người Chăm muốn lan tỏa phạm vi ảnh hưởng lên đến vùng cao hơn thì Mỹ Sơn là một khu vực lý tưởng đáp ứng được các tiêu chí về không gian, địa lý, văn hóa, phong thủy để họ tìm đến, thiết lập hệ thống kiến trúc đền tháp và để lại di sản như ngày nay.
Một góc hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn. Ảnh: Q.T
Mỹ Sơn xưa kia vốn là một vùng núi rừng u tịch, ít người lai vãng nên nhiều câu chuyện đậm đặc hư ảo là điều tất yếu. Ông Lê Văn Cường - Phòng Bảo tồn, bảo tàng (Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) kể, ở vùng đất này lâu nay vẫn lưu truyền về Vườn Bà.
Đó là khu vườn có nhiều cây quả trĩu ngọt, nhưng không phải ai cũng đến được, và nếu đến chỉ hái ăn tại chỗ chứ được không mang về. Nhiều giả thuyết xác định rằng vị trí của Vườn Bà nằm ngay dưới Hòn Đền.
“Khu vực đó nhìn về góc độ thời tiết thì rất thuận lợi, rừng ở đó sinh trưởng rất tốt. Trong toàn bộ rừng Mỹ Sơn thì khu vực này có thể xem là mát mẻ nhất, trong mùa khô hạn nhất thì cũng tới tầm 2 giờ chiều là đã mát mẻ rồi do có núi Hòn Đền che chắn từ hướng tây. Khu vực này hiện nay các loài cây tự nhiên lim, chò, dẻ đỏ… mọc um tùm” - ông Cường phân tích.
Một câu chuyện nhuốm màu tâm linh khác được người dân trong vùng truyền tai nhau là trước ngày tổ chức lễ hội lăng Bà Thu Bồn (ngày 12/2 âm lịch) thì chiều ngày 11 có người thấy một con bò trắng mờ ảo trong sương khói bay từ Hòn Đền ghé ra cây cốc (đã được công nhận là cây di sản) trước khi đáp lại lăng bà dự hội.
Nếu những câu chuyện trên nghiêng về huyền tích, thì mối liên hệ giữa rừng dầu rái với sự hình thành di tích Mỹ Sơn có sự thuyết phục hơn.
Ông Nguyễn Duy - Đội trưởng Đội an ninh trật tự và bảo vệ rừng (Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) cho hay, hiện ở khu vực Quảng Lai (xã Duy Phú, Duy Xuyên) còn rừng dầu rái với diện tích khoảng hơn 10ha mọc xen lẫn một số loài thực vật khác, cách Khu đền tháp Mỹ Sơn một dãy núi, nằm trong khu vực rừng bảo vệ cảnh quan hồ Thạch Bàn.
Theo ông Duy, cây dầu rái gắn liền với việc hình thành di tích, gắn với đời sống cư dân Chăm trước kia. Một số tài liệu đã chứng minh về việc người Chăm pa xưa khai thác dầu rái trong rừng phục vụ xây dựng đền tháp, kể cả giao thương xuống miền xuôi. Thực tế hiện nay vẫn còn một ít cây dầu cổ hiện diện trong rừng Mỹ Sơn, nhất là khu vực đường đi lên Vườn Bà.
Tái tạo rừng Mỹ Sơn
Những bức ảnh người Pháp cung cấp về không gian Mỹ Sơn hàng trăm năm trước cho thấy, khu di tích này nằm giữa thung lũng và cây rừng bao phủ rậm rạp. Trong quá trình phát lộ Mỹ Sơn, buộc phải chặt hết cây cối xung quanh đền tháp, chiến tranh bom đạn hàng chục năm cũng phá hủy rừng rất nhiều, cộng thêm sau giai đoạn 1975 công tác quản lý bảo vệ rừng khá lỏng lẻo, các vật liệu làm chất đốt, xây nhà của người dân sống lân cận đều khai thác từ đây khiến rừng Mỹ Sơn đến trước thập niên 1990 gần như kiệt quệ.
Hiện toàn bộ rừng tự nhiên ở Mỹ Sơn là rừng phục hồi với mật độ cây tái sinh của rừng khá thấp, trong rừng có nhiều khoảng trống lớn hơn 1.000m2. Do đó, giai đoạn tới Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ trồng bổ sung vào các khoảng trống những loài cây bản địa như sao đen, dầu rái, chò đen, lim xanh… Tùy theo khoảng trống của rừng mà bố trí trồng theo đám hoặc theo hàng với mật độ trồng bổ sung từ 400 - 500 cây/ha. Tổng diện tích sẽ triển khai làm giàu rừng khoảng 207ha.
Theo phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn giai đoạn 2022 - 2030 đang xây dựng, trong giai đoạn 2022 - 2025, tại khu vực này sẽ trồng 20 nghìn cây tương đương 10ha, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ trồng 50 nghìn cây tương đương 25ha.
Ông Nguyễn Duy thông tin thêm, từ năm 2025 tại Mỹ Sơn sẽ xây dựng vườn thực vật cây bản địa và mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng với diện tích khoảng 4ha... Ngoài ra, sẽ hình thành một trạm cứu hộ động vật hoang dã có quy mô khoảng 0,5ha tại phía đông hoặc phía tây suối Khe Thẻ.
Những công trình này khi hình thành sẽ là không gian để du khách tham quan, trải nghiệm giá trị đa dạng sinh học của Mỹ Sơn. Với không gian rừng Mỹ Sơn hiện tại, có một số cung đường nếu đi bộ phải mất khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ mới khám phá hết, đây là nền tảng để xây dựng sản phẩm du lịch trong tương lai.
QUỐC TUẤN