A+ A A-

Hồi sinh nhiều nhóm tháp Mỹ Sơn

          Dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp H, K, A ở Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ chính thức kết thúc sau 6 năm thực hiện. Qua đó, không chỉ hồi sinh nhiều công trình mà còn mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

          

Nhóm tháp A đã hồi sinh sau khi được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí bảo tồn. Ảnh: V.LỘC

          Tạo không gian du lịch

          Những du khách nước ngoài sờ nhẹ từng viên gạch vẫn còn rám đỏ trên bức tường tháp A1 Mỹ Sơn. “Trông nó dễ chịu và hài hòa với phần còn lại của công trình kiến trúc này” - Susan, nữ du khách đến từ Mỹ cảm nhận.

          Nhiều du khách trong đoàn cũng có nhận xét như cô khi tham quan các đền tháp mới được trùng tu tại nhóm tháp A, một trong 3 nhóm tháp nằm trong dự án hợp tác bảo tồn trùng tu do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.

          Chính thức triển khai từ năm 2017 theo Bản ghi nhớ ngày 28/10/2014 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về việc “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn”.

          Suốt 6 năm qua, các chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tiến hành khai quật, trùng tu lần lượt 3 nhóm tháp gồm H, K, A, kết quả khá tích cực.

          Hầu hết công trình kiến trúc tại các nhóm tháp này đã được gia cố, tu bổ vững chắc, hàng trăm hiện vật được thu nhặt lập hồ sơ tư liệu, đặc biệt sau trùng tu tất cả công trình trên đã mở cửa đưa vào phục vụ khách tham quan.

          Ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Công ty Du lịch An Thư - Hội An (đơn vị chuyên đưa khách đến Mỹ Sơn) nhìn nhận, việc đưa các công trình mới trùng tu vào đón khách du lịch đã mang đến nhiều hấp dẫn cho du khách.

          “Bây giờ chúng tôi không chỉ thuyết minh về các giá trị văn hóa, lịch sử của Mỹ Sơn mà còn nói về sự hồi sinh kỳ diệu của các đền tháp Champa, nhất là kỹ thuật trùng tu tháp qua sự hợp tác bảo tồn giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế, nên khách thích thú” - ông Dùng kể.

          Có thể khẳng định, sự thành công của dự án bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn đã giúp mở rộng không gian du lịch, kết nối tuyến tham quan, tạo sự mới mẻ cho các sản phẩm du lịch Mỹ Sơn.

          Quan sát cho thấy, từ khi mở cửa đón khách, các nhóm tháp H, K, A luôn được du khách ghé thăm bởi không chỉ vì nằm trên đường đi thuận lợi mà còn vì sự mới lạ, hấp dẫn, trong đó nhóm tháp A trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá di sản của du khách.

          Năm 2022, Mỹ Sơn đón hơn 105 nghìn lượt khách du lịch, tăng hơn 110% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm (50 nghìn khách), bình quân mỗi ngày có từ 400 – 700 khách mua vé vào tham quan di tích. Một phần thành công này nhờ sự hồi sinh của các công trình kiến trúc vừa được bảo tồn, trùng tu.

          Tiền đề cho những hợp tác mới

          Dự kiến, cuối tháng 12 UBND tỉnh sẽ phố hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức tổng kết dự án bảo tồn trùng tu 3 nhóm tháp H, K, A. Đây cũng là dịp để các bên nhìn lại, đánh giá những thành tựu đạt được qua 6 năm hợp tác trên lĩnh vực bảo tồn di sản.

          Theo ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, việc thực hiện dự án luôn được các bên triển khai thận trọng. Đầu tiên chọn các nhóm tháp có quy mô nhỏ, khối kiến trúc đơn giản như nhóm tháp K, dần đến các nhóm tháp có quy mô vừa như nhóm H và cuối cùng là có quy mô lớn, phức tạp là nhóm tháp A.

          Đặc biệt, phương pháp trùng tu tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo tồn yếu tố gốc, tái định vị gia cố, gia cường là chính, những khối xây mới bổ khuyết để bảo vệ những khối nguyên gốc cũng chỉ ở mức độ giới hạn cho phép và tạo được sự khác biệt giữa mới và cũ.

          Vật liệu can thiệp vào trùng tu có độ tương thích cao, vận dụng tối đa vật liệu cũ như gạch, đá; riêng gạch mới đưa vào trùng tu đã được kiểm định ở nhóm tháp G, chất kết dính chủ yếu là dầu rái với bột gạch, vôi nghêu kết hợp với bột gạch, gạch vỡ để làm phần móng và lõi tường.

          Trong số 3 nhóm tháp thuộc dự án bảo tồn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, nhóm tháp A có quy mô và kiến trúc phức tạp, vì vậy việc tiến hành tu bổ càng thận trọng, nhất là công trình tháp A1.

          Từ năm 2021 – 2022, quá trình tu bổ đã phục dựng lại toàn bộ nền móng bằng gạch và bó vỉa chung quanh đế tháp, đồng thời khôi phục thành công khung cửa phía tây và 2 trụ cửa phía đông; hình thành bậc cấp cho lối đi chính vào gian thờ A1, tái định vị một phần trụ giả tại góc tây bắc, đồng thời sắp xếp lại đài thờ A1 làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật Quốc gia.

          Ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam khẳng định, sau 6 năm thực hiện (2017 - 2022), Dự án “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn” đã hoàn thành và đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) và các chuyên gia của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá cao.

          Qua đó, không chỉ khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây sẽ là tiền đề tốt để Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ Quảng Nam trùng tu nhóm tháp F trong năm 2023 cũng như xem xét một số công trình kiến trúc thuộc khu E và A’ trong tương lai.

 VĨNH LỘC

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19796946
Hôm nay
Hôm qua
1067
10160