Đầu tháng 4 của 25 năm trước, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (tên thân mật là Kazik) hồi hương trong một quan tài kẽm sau 17 năm “cấp cứu” các di tích tại Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của ông khi đang tu bổ Thế Tổ miếu (cố đô Huế) đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè.
Hơn 40 năm trước, kiến trúc sư (KTS) Kazik (1944 - 1997) đã đến Việt Nam để bắt đầu công cuộc trùng tu các di tích tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Bom đạn sau chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, đời sống cực kỳ gian khổ không những không khuất phục được ông mà chỉ khiến ông thêm yêu mảnh đất này hơn…
Nhà dài D1 - nơi Kazik từng trú lại để dành tâm sức cứu vãn các tháp cổ
Nghỉ lại trong lòng tháp đầy… dơi
Người dân cũng như các chuyên gia trùng tu, khảo cổ học Việt Nam quen gọi ông là Kazik hơn là Kazimierz Kwiatkowski, chuyên gia trùng tu di tích của Công ty PKZ - Ba Lan, chỉ huy của Sứ mệnh trùng tu di tích Ba Lan - Việt Nam.
Năm 1981, từ một xứ sở cách Việt Nam đến hơn 8.000 km, Kazik đến Thánh địa Mỹ Sơn và nhanh chóng trở thành “người của rừng rậm”, thích nghi sinh hoạt giữa thâm u khí hậu nhiệt đới. Ông cũng hòa mình vào lối sống làng quê mộc mạc xứ Quảng với rượu gạo (mà ông gọi là “cuốc lủi”) và nước mắm - thứ gia vị mà ông dùng như một món ăn. Có hôm vui quá với công nhân, đồng nghiệp, Kazik cũng say bí tỉ ngủ ngay trên thảm cỏ bên bờ khe Thẻ.
Người tự nhận mình chỉ “ở tầm xách vali” cho KTS Kazik, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (năm nay 68 tuổi) nhớ lại hồi đó chuyên gia Kazik được bố trí nghỉ tại một khách sạn ở Đà Nẵng. Nhưng để tiết kiệm công sức, dành thời gian cho việc cứu vãn các ngọn tháp, Kazik chuyển về sống trong ngôi tháp B5 hoặc các nhà dài D1 (mandapa) ở Mỹ Sơn. “Khoảng năm 1993, tôi phụ việc cho Kazik tại Mỹ Sơn và thường nghỉ lại trong ngọn tháp B5. Tối đến, đàn dơi bay ràn rạt trên đầu. Kazik nghĩ ra cách lấy cỏ khô buộc vào một cây củi, đốt lên để đuổi dơi. Thế rồi lửa rơi xuống cháy cả mùng màn. Kazik chẳng nề hà gì, thấy dơi bị đuổi đi, ông cứ thế ngủ ngon lành…”, ông Hỷ nhớ lại.
Ông Hỷ bảo, ở Mỹ Sơn một ngày có đủ 4 mùa. Mới sáng là mùa thu nhưng đêm đến thì đông giá, chênh lệch cả chục độ C. Để chống lại cái rét, Kazik thường gom củi, cỏ khô để đêm đốt sưởi ấm. Có những đêm trăng thanh, Kazik ngồi trầm ngâm giữa những đền tháp để nhìn ngắm, chiêm nghiệm. Chất nghệ sĩ và sự lạc quan của Kazik có lẽ chính là liều thuốc trợ lực để ông vượt qua những ngày gian khó ở Mỹ Sơn.
Miễn sao được sống với những ngôi tháp
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói rằng những ngày được sống và làm việc cùng KTS Kazik là quãng thời gian rất đẹp đối với ông, kể cả những kỷ niệm cá nhân cũng như những bài học mà Kazik đã để lại. Có những đêm Mỹ Sơn quánh đặc khí lạnh, mù sương, bên đống lửa với chén “cuốc lủi”, Kazik sau một hồi say sưa với công nhân đã bảo rằng: “Khi sống là công dân Mỹ Sơn. Khi chết, hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn…”, họa sĩ Hỷ nhớ lại.
Nhiều cộng sự của Kazik kể rằng năm 1982, khi vừa đặt chân đến Mỹ Sơn, ông bắt tay ngay vào công việc, cho công nhân phát dọn, bóc tách dần từng lớp cây cỏ bám vào đền tháp. “Ông vừa làm vừa hướng dẫn cách thức làm việc, nói lên các giá trị văn hóa tiêu biểu, truyền cảm hứng, tình yêu di tích và trách nhiệm của cộng đồng với di tích văn hóa này. Bởi hầu hết công nhân là thợ nề, người làm nông nên công việc này thật xa lạ với họ. Hằng ngày, ông cần mẫn đo đạc, vẽ, chụp ảnh, ghi chép mô tả hiện trạng một cách tỉ mỉ. Dưới cái nắng, cái nóng khắc nghiệt của thung lũng bốn bề núi đá, ông thường mặc quần cộc và áo thun, có khi không mặc áo…”, ông Lê Văn Minh, cán bộ Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, chia sẻ.
Vượt lên khó khăn về đời sống, cùng phong cách làm việc đầy say mê của mình, Kazik nhận được sự yêu quý của nhiều người. Những cán bộ Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn như ông Minh không thể nào quên những lời nói xúc động của Kazik vào năm 1991, khi nguồn tài chính cho hoạt động bảo tồn của đoàn chuyên gia Ba Lan bị chấm dứt. “Ông đã nói: “Tôi chịu đựng được tất cả, miễn sao được sống với những ngôi tháp”. KTS Kazik tự đứng ra kêu gọi quỹ cho hoạt động của mình tại Mỹ Sơn do Hội Ái hữu văn hóa Chăm tại Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ”, ông Minh hồi tưởng. Ngoài những hiện vật đã được trưng bày ngoài trời, các phù điêu, tượng, mảnh vỡ bi ký, hoa văn, thành phần kiến trúc... được trưng bày, bảo quản trong 2 mandapa D1 và D2 từ năm 1994 đến nay chính là nhờ công lao của Kazik.
Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cũng xúc động khi nhớ về Kazik. Trong suốt 12 năm, mỗi năm khoảng 3 tháng, Kazik đến với Mỹ Sơn và các di tích Chăm khác ở miền Trung. “Ông cùng ăn ở và làm việc tại Mỹ Sơn như một người dân bản xứ. Sau 12 năm được gia cố tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Champa bắt đầu hồi sinh. Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ trước kia của nó, làm cho ta có thể hình dung được một khu đền thờ Ấn Độ giáo uy nghiêm, kỳ vĩ của vương quốc Champa trong quá khứ”, ông Tịnh nói.
Hoàng Sơn