A+ A A-

Hát với Mỹ Sơn

          Đến bây giờ, chưa ai hay tổ chức nào thống kê đã có bao nhiêu bài hát cho Mỹ Sơn, về Mỹ Sơn. Chỉ biết rằng, cảm hứng từ Mỹ Sơn, về Mỹ Sơn luôn bất tận và hết sức tự nhiên. Với nhiều nhạc sĩ từng đến Mỹ Sơn, dường như có một điều gì đó cứ thôi thúc, réo gọi, để tâm hồn thăng hoa cùng nốt nhạc...

          Một buổi trình diễn ca múa nhạc dân gian Chăm tại Khu Di tích Mỹ Sơn. Ảnh: B.A

Một buổi trình diễn ca múa nhạc dân gian Chăm tại Khu Di tích Mỹ Sơn. Ảnh: B.A

          1. Nhiều lần về Mỹ Sơn ghi hình, làm phim ca nhạc, nhạc sĩ Lê Xuân Bá cảm giác như mình có thể thuộc từng ngọn cỏ, phiến đá, viên gạch... nơi đây. Thế nhưng với anh, Mỹ Sơn chưa bao giờ nhàm cũ mà trái lại, cuộc tái ngộ nào cũng đem đến cho anh những cảm xúc mới mẻ.

            Anh cho biết, trước mỗi lần mang máy đi Mỹ Sơn ghi hình, lòng anh luôn đầy nỗi lo, rằng liệu có thể tìm ra góc nhìn nào lạ hơn, mới hơn để ghi hình hay không. Lo vậy nhưng khi đã đặt chân đến, gần như không phải mất nhiều công sức tìm kiếm rồi anh và các đồng nghiệp vẫn phát hiện ra được những góc nhìn mới đầy cảm xúc giữa không gian u trầm linh thiêng của khu đền tháp. Có lẽ nhờ vậy mà những khuôn hình lấy Mỹ Sơn làm nền hay những thước phim ca nhạc riêng cho Mỹ Sơn do anh và ê-kíp thực hiện, luôn lung linh, tươi mới.

          Cũng với niềm giao cảm kỳ lạ ấy, suốt 17 năm gắn bó với Đội múa dân gian Chăm (thuộc Ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn), ca sĩ Thập Hữu Lưu chưa bao giờ thấy lòng mình hết “lửa”. Anh bảo không hẳn vì anh là người Chăm mà trên hết, có lẽ là do những trầm tích kỳ lạ của khu đền tháp này luôn khiến cho những người như anh dâng trào cảm xúc. Không chỉ với 10 tiết mục hát múa trong “biên chế cứng” của đội văn nghệ, Thập Hữu Lưu còn thể hiện thành công nhiều ca khúc khác về Mỹ Sơn hoặc liên quan đến Mỹ Sơn do các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh sáng tác và nhờ anh trình bày. “Hồn vía Mỹ Sơn “nhập” hẳn vào tôi rồi, thành ra tôi có thể cảm nhận khá nhanh và thể hiện được những ca khúc về Mỹ Sơn” - Thập Hữu Lưu nói.

          Mới đây nhất, hồi cuối tháng 10.2020, chỉ sau hai buổi tập, chàng ca sĩ người Chăm này đã có thể trình diễn ca khúc “Huyền thoại đêm Mỹ Sơn” của nhạc sĩ Huỳnh Đức Long - hội viên Hội VHNT tỉnh, để Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tổ chức ghi hình cho chương trình ca nhạc Tiếng hát đất Quảng. Giọng ca mộc nhưng da diết, cùng với đó là khả năng biểu cảm khá tốt của người hát, được kết nối qua những khung hình lung linh, đã làm cho ca từ, giai điệu của ca khúc này thăng hoa: “Đêm mờ mờ hơi mây bóng trăng nghiêng nghiêng. Trong mập mờ âm u tiếng muôn loài về ru ngàn đêm. Sương rơi mờ trên cao có đoàn tiên nữ về dâng lên điệu múa ngợi ca. Om na ma ha Shi va ya...”.

          2. Lâu nay, nói đến âm nhạc cho Mỹ Sơn, của Mỹ Sơn, thoạt tiên nhiều người vẫn thường nhắc đến “Nguồn cội” của nhạc Amư Nhân. Không chỉ vì đây là ca khúc của một người Chăm có tình yêu tha thiết với Mỹ Sơn mà còn vì đây là một ca khúc hay và đẹp. Ở đó, một Mỹ Sơn hiện ra thâm u, linh thiêng và giàu khát vọng, yêu thương. “...Trống gi-năng mừng hội Ka-tê, kèn sa-ra-nai gọi mùa xuân về. Apsara, apsara vũ nữ Chămpa, thần Siva từ bia đá xanh mãi in bóng hình trên tầng tháp xưa về muôn đời...”.

          Ca từ, giai điệu rất đẹp của ca khúc này như là lời mời gọi, để nhiều văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng tìm về Mỹ Sơn sáng tác, tiếp nối những gọi mời rồi trải lòng ra cùng quê xứ - như cái cách mà nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã làm: “...Nếu em yêu chốn địa linh thì về Mỹ Sơn em nhìn, rồi chờ hè sang nghe từng cơn gió nóng, rồi ngồi thềm trăng nghe mẹ anh hò khoan” (Yêu cái mặn mà).

          Với nhiều văn nghệ sĩ, Mỹ Sơn là vùng đất của sáng tạo, là nơi thôi thúc và khởi phát những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ và độc đáo. Riêng trong âm nhạc, có lẽ cũng vì thế mà những “góc nhìn” về Mỹ Sơn - cả xa và gần, đều luôn mới, bí ẩn. Như một Mỹ Sơn của Apsara duyên dáng, đầy sức hút trong ca khúc “Apsara tình yêu và khát vọng” của Võ Công Anh (thơ Kim Thắng): “Hàng triệu năm ngủ miệt mài trong đá. Một sớm mai em bừng tỉnh giấc. Có bàn tay ai đó khẽ chạm vào. Người nghệ sĩ dắt em ra khỏi đá”.

          Như một Mỹ Sơn của giao hòa, của sự sống diệu kỳ trong ca khúc “Lên Mỹ Sơn” của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Mỹ Sơn đứng đó ngàn năm qua. Nơi đây giao duyên đất với trời. Nơi đây thần linh gặp con người. Nơi đây Linga tìm Yoni. Làm nên sự sống diệu kỳ”...

 BẢO ANH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19828768
Hôm nay
Hôm qua
11330
12811