A+ A A-

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận

       Chiều ngày 27.7, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận - nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

         

          Bà Trần Thị Kim Liên - con gái đồng chí Trần Thận thay mặt gia đình đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: C.L

          Dự lễ có Thiếu tướng Đoàn Văn Nhất - Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng thân nhân đại diện gia đình đồng chí Trần Thận - bà Trần Thị Kim Liên (con gái đồng chí Trần Thận).

          Thực hiện Quyết định số 37 ngày 7.1.2022 của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận diễn ra trang nghiêm, long trọng.

          Đồng chí Trần Thận tên thật là Trần Cát, sinh ngày 12.5.1927 tại làng Bàn Thạch (tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên), nay thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên). Năm 1942, đồng chí Trần Thận được kết nạp vào Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Bàn Thạch.

          Năm 1943, ông bị mật thám Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam. Trong nhà tù, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không hề khai báo. Tháng 3.1945, sau khi quân Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Trần Thận cùng 8 đồng chí khác được trả tự do.

          Vừa ra tù, ông liên lạc ngay với tổ chức, tích cực xây dựng cơ sở ở tổng An Lạc, khu Tây Duy Xuyên, xây dựng lực lượng tự vệ, nắm lực lượng thanh niên Phan Anh biến thành lực lượng tự vệ cứu quốc; tổ chức mít tinh khắp các thôn kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành độc lập.

          Năm 1947, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học Trường Lục quân do Quân khu 5 tổ chức ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi kết thúc khóa học, từ năm 1947 đến 1952, đồng chí làm cán bộ dân quân tỉnh Quảng Nam.

          Mùa hè năm 1952, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng điều động bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên, làm Chính trị viên Huyện đội. Trên cương vị này, đồng chí đã góp phần cùng lực lượng vũ trang của địa phương lập nhiều chiến công vang dội. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. 

          Năm 1955, Huyện ủy và cán bộ huyện còn không quá 10 người. Với phương châm “Đảng là của dân, cách mạng từ nhân dân”, đồng chí Trần Thận kịp thời chuyển phương thức hoạt động, phân công mỗi cán bộ phụ trách một địa bàn, dựa vào dân để xây dựng cơ sở cách mạng.

          Đến năm 1959, cả huyện Duy Xuyên xây dựng được hàng chục chi bộ đảng, lực lượng cách mạng từng bước được phục hồi.

          Năm 1959, đồng chí vinh dự được Liên khu ủy 5 chỉ định bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Bí thư Ban cán sự khu Trung của tỉnh. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 1.1960), đồng chí Trần Thận được bầu vào Tỉnh ủy, sau đó bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban Quân sự tỉnh.

          Đầu năm 1964, đồng chí Trần Thận về lại chiến trường miền Nam, được Khu ủy 5 phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội kiêm Trưởng ban Dân vận - binh vận, đấu tranh chính trị, tuyên huấn. 

          Tháng 1.1971, đồng chí Trần Thận được Khu ủy 5 cho ra miền Bắc điều trị bệnh. Năm 1972, đồng chí Trần Thận trở lại chiến trường miền Nam, được phân công Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà và đến cuối năm 1972 làm Bí thư Đặc khu ủy thay cho đồng chí Hồ Nghinh. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, quân Mỹ phải rút quân về nước.

          Đồng chí Trần Thận thường dặn cán bộ “không được dễ ngươi với địch” và luôn giữ thái độ kiên quyết bảo vệ cho đấu tranh vũ trang đến cùng, chấp nhận mọi hình thức kỷ luật, bởi ông xác định chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và lợi ích của nhân dân là danh dự của người đảng viên, người lãnh đạo.

         

Lãnh đạo tỉnh và huyện Duy Xuyên chúc mừng gia đình đồng chí Trần Thận. Ảnh: C.L

          Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Trần Thận được Khu ủy phân công làm Phó Bí thư Đặc khu ủy. Đến tháng 10.1975, tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà sát nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. 

          Tháng 1.1980, đồng chí Trần Thận được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Năm 1992 nghỉ hưu, nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng phát triển quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

DIỄM LỆ - THÀNH CÔNG

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18599737
Hôm nay
Hôm qua
213
5565