A+ A A-

Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên

         Sáng ngày 20/8, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).

          

Quang cảnh lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024). Ảnh: PV

          Tham dự lễ có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh - nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh.

          Kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên là dịp để mỗi người Duy Xuyên tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người Duy Xuyên. Đồng thời tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của danh xưng Duy Xuyên trong giai đoạn mới.

          

Đông đảo đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: PV

          Năm 1604 ra đời danh xưng Duy Xuyên

          Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, năm 1306, khi vua Chiêm Chế Mân giao 2 châu là châu Ô và châu Lý cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt đến vùng đất Quảng Nam. Theo dòng mở cõi về phương Nam, các di dân người Việt cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới.

          Trên cơ sở đó, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên. Kể từ thời điểm đó, danh xưng hành chính huyện Duy Xuyên chính thức ra đời.

          

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PV

          Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hóa với sự giao thoa tiếp biến của nền văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và dân tộc, trở thành vùng đất giàu giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng.

          Đây cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng như Lê Thiện Trị, Hồ Trung Lượng, Võ Hành, Lê Quang Sung, Nguyễn Thành Hãn, Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên, Trương Chí Cương, Bùi Giáng...; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh thành Trà Kiệu, khu lăng mộ các bà hoàng Chúa Nguyễn, nghệ thuật hát tuồng, sắc bùa, bả trạo, dân ca bài chòi và nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chúa Tàm Tang, lễ hội cầu ngư, lễ hội Bà Chiêm Sơn... được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.

         

Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Ảnh: PV

          Ông Phan Xuân Cảnh nhấn mạnh: “Duy Xuyên nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng với 2 tiến sĩ, 5 phó bảng, 54 cử nhân ở các triều đại lịch sử. Nơi đây đã và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 1 di sản văn hóa thế giới - Mỹ Sơn, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Đây thực sự là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, là tài sản vô giá mà các thế hệ người Duy Xuyên trao truyền cho đời sau”.

          Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, 420 năm qua là khoảng thời gian mà từng cánh đồng, ngọn núi của vùng đất thiêng này in hằn dấu ấn vô cùng đặc biệt, thấm đẫm bao mồ hôi, máu và nước mắt của các bậc tiền nhân đã lao khổ để mài giũa nên dáng hình của vùng đất Duy Xuyên đẹp tựa tơ lụa hôm nay.

          Và, với ngần ấy thời gian, địa giới Duy Xuyên tuy có xê dịch với các huyện lân cận nhưng các thế hệ người dân Duy Xuyên đã luôn gìn giữ, phát huy, tập trung xây dựng để nơi đây ngày một phát triển, tiến lên.

          

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PV

          Giàu truyền thống yêu nước

          Từ bề dày lịch sử và văn hóa được trao truyền qua hàng nghìn năm đã hun đúc nên những giá trị truyền thống của vùng đất và con người Duy Xuyên. Trong đó, truyền thống yêu nước và cách mạng như một dòng chảy xuyên suốt, mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của vùng đất, con người Duy Xuyên trước bao khó khăn, thử thách.

          Theo ông Phan Xuân Cảnh, lịch sử hào hùng của mảnh đất này luôn khắc ghi công ơn của 17.424 người con ưu tú của quê hương và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên chiến trường Duy Xuyên; trong đó có sự sẻ chia to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) kết nghĩa. Duy Xuyên cũng là địa phương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng với 2.091 mẹ, hiện có 87 mẹ còn sống.

         Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, Duy Xuyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, là nơi sinh ra nhiều người con ưu tú, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trải qua 420 năm kể từ lúc danh xưng Duy Xuyên ra đời, các thế hệ người dân nơi đây luôn bảo vệ và xây dựng mảnh đất này ngày một phát triển.

          “Trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Duy Xuyên không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí cách mạng kiên trung, gan dạ, dũng cảm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, nhiều phong trào cứu quốc ra đời, nhiều người con ưu tú của quê hương anh dũng chiến đấu, hy sinh lập nên nhiều chiến công hiển hách… để rồi Duy Xuyên được biết đến là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng; quê hương của khoa bảng và cách mạng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

         Duy Xuyên ngày mới

          Từ một địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Duy Xuyên từng bước thay da đổi thịt. Từ một huyện nghèo, thuần nông, hằng năm phải nhận viện trợ của trung ương, kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Duy Xuyên có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch tăng dần và hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn.

          Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động, Duy Xuyên có nhiều chương trình, dự án kêu gọi đầu tư và hình thành nên các cụm công nghiệp ở cả khu tây, khu trung và khu đông. Lượng công nhân trên địa bàn huyện làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp với hơn 20.000 lao động.

          Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Duy Xuyên mỗi năm đạt gần 4.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 2,06% và không còn hộ ở nhà tạm.

              Công tác giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm đúng mức, toàn huyện có 23/46 trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng cấp độ 3, chiếm tỷ lệ 50%. Kết quả thi học sinh giỏi các trường THPT luôn đứng ở vị trí tốp đầu của tỉnh. Hoạt động của Trung tâm Y tế huyện ngày càng chuyển biến tích cực với quy mô 345 giường bệnh, 4 phòng chức năng, 9 khoa chuyên môn và 14 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia.

          Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Phước, Duy Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Duy Nghĩa, Duy Hải và thị trấn Nam Phước đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025. Huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu để trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.

          Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, thời gian đến Duy Xuyên cần tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất và bảo đảm các nguyên tắc, kỷ cương, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          Chú trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Khai phóng tiềm năng du lịch, đặc biệt là các điểm đến xanh, sản phẩm xanh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu. Trong đó, lấy Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hoiana làm trung tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ tại vùng tây và vùng đông, tạo sức lan tỏa rộng khắp, kết hợp khai thác du lịch làng nghề truyền thống, tâm linh tại các vùng trên địa bàn huyện.

          Khai thác hiệu quả lợi thế của một địa phương có địa hình về đồi núi, đồng bằng và ven biển. Tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng gắn với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân; tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển. Khai thác không gian biển để phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

          Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị thị trấn Nam Phước, đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa… theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế vùng. Phối hợp với các ngành của tỉnh sớm hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đối với các địa phương khác để Duy Xuyên sớm trở thành thị xã vào năm 2030.

          Mặt khác, chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công cách mạng và các đối tượng yếu thế. Đồng thời giữ vững quốc phòng, an ninh.

          “Với truyền thống văn hóa vô cùng đặc sắc, truyền thống anh hùng cách mạng cùng nền tảng vững bền từ những trầm tích đặc biệt, riêng có, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Duy Xuyên anh hùng sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…”

Văn Sự- Phi Thành

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19838893
Hôm nay
Hôm qua
510
20945