Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu, để truyền bá chủ nhĩa Mác Lê Nin vào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập tờ Báo Thanh niên vào ngày 21.6.1925- ngày này trở thành ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, biên tập viên đài Truyền thanh- Truyền hình Duy Xuyên có bài đề cập về vấn đề những người làm báo ở huyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện có chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng bộ và Chính quyền địa phương, là diễn đàn phát huy quyền làm chủ của người dân. Những người làm công việc ở đài cấp huyện là những người làm báo chuyên nghiệp, bởi vì hàng ngày họ phải đảm trách sản xuất chương trình phát thanh; sản xuất tin, phóng sự, chương trình truyền hình; đăng tải tin, bài trên trang Website. Những tác phẩm báo chí này được đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng có tính phổ biến rộng, thậm chí không có biên giới, có tính tương tác cao đối với người nghe, người xem, người đọc. Vì vậy, những người sản xuất ra những tác phẩm báo chí ở đài cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước thông tin của mình đã cung cấp đối với pháp luật, đối với công chúng.
Đội ngũ những người làm báo ở Đài huyện đã trưởng thành về mọi mặt, được tăng cường về số lượng. Các Nhà báo ở huyện luôn trau dồi phẩm chất chính trị, có quan điểm lập trường vững vàng, có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, các Nhà báo ở huyện luôn tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thông tin đại chúng trong tình hình mới, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các sản phẩm báo chí của Đài huyện luôn đáp ứng được yêu cầu về chính trị-tư tưởng, về yếu tố văn hóa và yêu cầu về chất lượng kỹ thuật và nghiệp vụ.
Ngày nay, đứng trước sự bùng nổ thông tin, các loại hình thông tin phát triển như vũ bão, đài cấp huyện cũng không nằm ngoài vòng xoáy và sự cạnh tranh quyết liệt về thông tin. Vậy thì để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của đài truyền thanh- Truyền hình huyện, những người làm báo ở huyện phải tự đổi mới toàn diện, phải tự rèn luyện, thay đổi tư duy, tác phong tác nghiệp, thích ứng với môi trường cạnh tranh của báo chí và nâng cao sức đề kháng trước vi khuẩn độc hại trong môi trường thông tin vàng thau lẫn lộn này.
Chúng ta ai cũng đều biết, báo chí ra đời và phát triển là nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin và giao tiếp, dựa trên những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Đó là những tiền đề có ý nghĩa về vật chất cho sự ra đời và phát triển của báo chí. Song nhân tố giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại, phát triển của báo chí là những người làm báo. Người làm báo ở huyện không nằm ngoài quy luật vận động này.
Muốn nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm và năng lực nghề nghiệp, những người làm báo ở huyện phải biết học và làm theo cách làm báo của Bác Hồ. Đó là bài học đầu tiên cho người làm báo là phải quan hệ mật thiết với quần chúng. Nhằm vào quần chúng thì người làm báo phải tự xác định cho mình đây là hành động cách mạng, vì lý tưởng cách mạng chứ không phải là hứng thú cá nhân hay mưu toan lợi ích riêng tư. Người làm báo ở huyện phải lấy nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân làm nhiệm vụ chính của báo chí, để chỉ đạo suy nghĩ, điều khiển ngòi bút. Đây chính là nền tảng cơ bản để hình thành bản lĩnh của người làm báo ở huyện.
Những người làm báo ở huyện bên cạnh bản lĩnh còn cần phải có phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng. Ở đây phẩm chất đạo đức của làm báo không gì khác hơn là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chiến đấu cho sự thắng lợi của chân lý cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Khi nói đến hoạt động báo chí, Bác Hồ quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người đòi hỏi người làm báo khi nói đến cần, kiệm, liêm, chính thì trước hết mình phải cần, kiệm, liêm, chính và đặc biệt khi cầm bút phải phản ánh trung thực, khách quan.
Kế thừa di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng tức là lĩnh hội từ đó cái tâm, cái đức của người làm báo. Từ cái tâm, cái đức của người làm báo sẽ định hướng cho việc học hỏi suốt đời, cho tính trung thực, dũng cảm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng của Đảng. Việc mỗi nhà báo ở huyện thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học tập những quan điểm, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là thiết thực góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình. Đây cũng là cách để nâng cao bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và năng lực nghề nghiệp của người làm báo ở huyện.
Người làm báo ở huyện phải biết giải quyết rốt ráo những vấn đề thực tế đặt ra. Đó là khi đụng đến những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu, và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho tác phẩm báo chí của mình trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Vấn đề giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo ở huyện cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng.
Đạo đức của nhà báo là tính trung thực và khách quan phản ánh những vấn đề tồn tại, những bất cập trong đời sống xã hội. Nâng cao đạo đức người làm báo không ngoài mục tiêu làm cho mỗi tác phẩm báo chí xứng đáng là vũ khí sắc bén, tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Hoạt động báo chí của đài huyện là hoạt động báo chí, mà hoạt động báo chí là một hoạt động truyền thông đại chúng. Vì lẽ sản phẩm, tác phẩm báo chí được tạo ra là để chuyển tải tới công chúng những thông tin thời sự về các sự kiện, vấn đề, sự vật, hiện tượng, con người xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội. Đích hướng đến của một tác phẩm báo chí là đem lại giá trị thông tin cho công chúng xã hội, do đó, đảm bảo tính thông tin là chức năng quan trọng đầu tiên của một tác phẩm báo chí. Hoạt động báo chí của đài huyện không nằm ngoài chức năng thông tin quan trọng này. Vậy thì, việc nâng cao năng lực nghề nghiệp của người làm báo ở huyện ở chỗ nào. Như chúng ta đều biết, khi sáng tạo tác phẩm báo chí, những yêu cầu về năng lực chuyên môn của nhà báo luôn phải gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Điều này được thể hiện trong từng bước tiến hành sáng tạo một tác phẩm báo chí. Cụ thể là khi viết tin, bài đăng phát trong chương trình phát thanh hàng ngày, trên trang Website hay cộng tác với đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh; Báo Quảng Nam; trong chương trình truyền hình địa phương người làm báo ở huyện phải xác định “viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào”. Có như vậy, tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho công chúng xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động báo chí hiện nay ở huyện, không phải lúc nào các nhà báo cũng thực hiện tốt được những yêu cầu này, mà suy nghĩ đơn giản viết để cho có chương trình để phát, nghĩa là làm báo theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Tư duy và cách làm này đã làm ảnh hưởng đến giá trị thông tin của các tác phẩm báo chí của đài huyện và lớn hơn là làm mất niềm tin của công chúng đối với nội dung chương trình phát thanh của đài huyện, và làm giảm sút chất lượng chương trình phát thanh hàng ngày của đài huyện và ngày càng đẩy thính giả xa dần với hoạt động của đài huyện.
Vì vậy, đội ngũ những người làm báo ở huyện hơn ai hết phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đấu tranh chống tham nhũng, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Xét cho cùng, không có thứ bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp chung chung, mà nó gắn với từng nghề nghiệp, từng con người. Làm báo là làm chính trị, như Bác Hồ từng nói: Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng.
Mỗi người làm báo phải tự mình học tập, rèn luyện để vươn lên. Ngoài rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong, người làm báo chỉ thực sự tự tin, bản lĩnh vững vàng khi có đủ kiến thức, khi thật am hiểu vấn đề, lĩnh vực mình viết và có kỹ năng nghề nghiệp. Phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức mới dám đương đầu với khó khăn, lăn lộn vào cuộc sống, tìm những vấn đề hóc búa đề dấn thân, phát hiện, lý giải và dũng cảm đi đến cùng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với những tiêu cực xã hội.
Đối với mỗi người làm báo, cần xác định tự học tập, rèn luyện về mọi mặt, tự bổ sung kiến thức mới, là yêu cầu bắt buộc, là thứ như nước uống, thức ăn hàng ngày để trở thành những nhà báo có bản lĩnh, có nghiệp vụ tinh thông và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Trong trái tim mình, phải luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì?"
Vì vậy, người làm báo ở đài huyện muốn làm tốt nhiệm vụ chính trị của người làm báo ở huyện, trước hết là phải tự biết nâng cao bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và năng lực nghề nghiệp, và cẩm nang để thực hiện được mục tiêu này không ngoài yêu cầu người làm báo ở huyện phải thực hiện tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Thực hiện 10 điều đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo, trong đó có người làm báo cấp huyện.
Hoàng Thơ