Truyền thống đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ cội nguồn văn hóa Việt Nam, ngày càng được củng cố, bồi đắp, phát huy, tỏa sáng. Trong chuỗi dài sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết dân tộc, Huỳnh Thúc Kháng - “một người đức cao danh vọng mà quốc dân ai cũng biết” đã góp phần quan trọng củng cố, phát huy truyền thống quý báu ấy, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Phóng viên đi thực tế tại nhà lưu niệm để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng.Ảnh: LÊ QUÂN
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị phong trào Duy tân, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp đến nhiều tỉnh phía Nam xem xét dân tình, đề xướng tân học nhưng cũng thông qua đây để liên kết, tập hợp sức mạnh nhân sĩ, trí thức, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đồng lòng ủng hộ, thực hiện chủ trương canh tân đất nước. Khi trở lại Quảng Nam, Huỳnh Thúc Kháng tích cực vận động nhân dân bỏ qua sự khác biệt, đoàn kết thực hiện đời sống mới, mặc âu phục, cắt tóc ngắn… Năm 1906, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Lê Vĩnh Huy thiết lập cơ sở kinh doanh tại làng Thạnh Bình, sau đó mở chi nhánh nhiều nơi trong huyện Tiên Phước nhằm liên kết những người yêu nước và tạo nguồn tài chính ủng hộ phong trào Đông du của Phan Bội Châu, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Đầu năm 1908, sau khi Phan Châu Trinh ra Hà Nội, Trần Quý Cáp vào Khánh Hòa, Huỳnh Thúc Kháng một mình lãnh đạo phong trào Duy tân ở trong tỉnh, đồng thời đi nhiều nơi cổ động duy tân, kêu gọi đoàn kết chống giặc, khơi dậy phong trào chống thuế năm 1908 rộng khắp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Bên cạnh đó, Huỳnh Thúc Kháng còn phải dàn xếp một số bất đồng giữa những người theo xu hướng ôn hòa dưới ngọn cờ cứu nước của Phan Châu Trinh với xu hướng bạo động dưới ngọn cờ của Phan Bội Châu. Bằng tài năng, đức độ và sự khéo léo của mình, Huỳnh Thúc Kháng đã thuyết phục mọi người giữ vững khối đại đoàn kết để phục vụ lợi ích của dân tộc; giải thích để họ hiểu rõ rằng, bạo động và ôn hòa, cách mạng và cải cách tuy có sự khác nhau nhất định về phương thức nhưng đều xuất phát từ tinh thần yêu nước, thương nòi, bổ sung cho nhau vì mục đích cứu nước, cứu dân.
Đóng góp to lớn của cụ Huỳnh vào việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc thực sự nổi bật ở giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám (1945) - một giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách, đòi hỏi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hơn bao giờ hết, nhằm thúc đẩy con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nguy nan bởi thù trong, giặc ngoài tấn công tứ phía. Trong hoàn cảnh đó, với trách nhiệm của một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên Việt, Quyền Chủ tịch nước thời gian Hồ Chí Minh sang Pháp (31.5.1946 - 20.10.1946), cụ Huỳnh đã tận tâm, tận lực phục vụ vì mục tiêu chung của dân tộc, sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và các tầng lớp nhân dân đấu tranh tiêu diệt mọi thế lực phản dân, hại nước, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Cụ Huỳnh là người tham gia sáng lập và làm Chủ tịch Hội Liên Việt, trực tiếp lãnh đạo thực hiện “đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đồng bào yêu nước vô đảng, vô phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường” . Hội Liên Việt ra đời tại Hà Nội ngày 29.5.1946 trở thành một hiện tượng chính trị quan trọng, một tin mừng của dân tộc Việt Nam. Hội ra đời trong bối cảnh nước nhà chưa độc lập hoàn toàn, chế độ dân chủ cộng hòa chưa hoàn chỉnh, cuộc tranh đấu vũ trang tự vệ chưa đứt nhưng công việc kiến thiết phải xúc tiến. Do vậy, toàn dân phải đúc kết thành một khối, gạt bỏ mọi thành kiến giai cấp, phân tranh đảng phái, đố kỵ về tôn giáo và nòi giống.
Hội Liên Việt hoạt động dưới sự lãnh đạo của cụ Huỳnh đã tạo nên sự liên hiệp trong Chính phủ và liên hiệp ở quảng đại quần chúng nhân dân, làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp trong việc tìm cách chia rẽ đồng bào miền Nam và miền Bắc, bên đạo và bên đời, người giàu và người nghèo, người Kinh và các dân tộc thiểu số. Đồng thời đập tan âm mưu của bọn Việt gian phản động cam tâm làm tay sai cho ngoại quốc chống lại quyền lợi của toàn dân. Do vậy, đây không phải là một mặt trận thống nhất riêng của các đảng phái yêu nước như Mặt trận Việt Minh mà là một khối kết hợp các đảng, các phái và các tầng lớp nhân dân vô đảng, vô phái cùng chung một mục đích vì nước, trở thành mặt trận thống nhất của toàn dân. Hơn nữa, Hội Liên Việt không những chủ trương làm cho dân tộc Việt Nam được tự do, giải phóng mà còn tranh đấu cho lãnh thổ Việt Nam được toàn vẹn, nước Việt Nam mau chiếm được địa vị phú cường. Hoạt động của Hội Liên Việt dưới sự lãnh đạo của cụ Huỳnh trở thành một vũ khí sắc bén chống kẻ thù, kêu gọi gạt bỏ hoài nghi, hằn học; noi gương Hồ Chủ tịch mà khoan hồng, rộng lượng, thành thật, ân cần; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống các thế hệ Việt Nam sau này.
Thông qua các hoạt động, cụ Huỳnh vừa kêu gọi đoàn kết, vừa lên án các phần tử đối ngược nhằm chỉ rõ chân lý, giáo dục, uốn nắn để họ nhận thức đúng về cách mạng và bảo vệ dân tộc, bảo vệ giống nòi. Do đó, có lần trong phiên họp Chính phủ, cụ Huỳnh nói thẳng với đại biểu các đảng phái: “Tôi dám chê quý ngài dòm gần mà không dòm xa, thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn, biết bộ phận mà không biết cái toàn thể. Tôi dám chắc tình trạng này mà kéo dài ra nữa thì dân Việt Nam chúng ta trở lại làm nô lệ, mà đảng của quý ngài cũng lại làm đảng lưu vong”. Cụ Huỳnh từng thẳng thừng tuyên bố: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chân chính được bảo đảm tự do hoạt động trong vòng pháp luật. Pháp luật là pháp luật chung. Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải đem ra pháp luật nghiêm trị. Đây không phải là vấn đề đảng phái”.
Từ khi diễn ra Kháng chiến Toàn quốc, cụ Huỳnh không chỉ kêu gọi nhân dân đoàn kết đi theo cách mạng mà còn phải tỉnh táo trước âm mưu của kẻ thù để không bị chúng lợi dụng. Trên đường đi kinh lý các tỉnh miền Trung, đến đâu cụ Huỳnh cũng giải thích đường lối kháng chiến và kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời viết thư kêu gọi đồng bào quốc dân “đoàn kết thành một khối rất mạnh để cho nước nhà được độc lập muôn thuở”; kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến “tin tưởng vào cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, kết chặt chẽ một khối quyết sống mái với kẻ thù”. Tới Quảng Ngãi, không may bị lâm bệnh nặng, biết không qua khỏi nên cụ Huỳnh gửi lời chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc”; gửi điện kêu gọi các chiến sĩ, các đảng phái, tôn giáo thực hiện ngay đại đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đóng góp của cụ Huỳnh vào việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đưa nước ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững chế độ dân chủ cộng hòa, xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đối với cách mạng Việt Nam; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
TS. LÊ ĐỨC HOÀNG