A+ A A-

Lời Người vang vọng mãi non sông

         Tròn 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và hơn 50 năm sau ngày Bác đi xa, trong ký ức của mỗi người con xứ Quảng, hình ảnh, lời dạy của Người vẫn vang vọng mãi.

         Nhân dân thị xã Tam Kỳ mít tinh mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Ảnh tư liệu

         Nhân dân thị xã Tam Kỳ mít tinh mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Ảnh tư liệu

              Những ngày không quên

          Cuối tháng 8.1969, Đặc Khu ủy Quảng Đà tổ chức hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chính trị. Nghị quyết Hội nghị Đặc khu ủy chỉ rõ: Chống bình định; giành quyền làm chủ cho nhân dân; nắm chắc dân, mở rộng và xây dựng vùng của ta là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng bộ. Đồng thời nghị quyết nhấn mạnh: Chống bình định là sự nghiệp của quần chúng. Các đảng bộ và cơ quan lãnh đạo các cấp phải tin quần chúng, dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh tiềm tàng và vô địch của quần chúng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh quyết liệt với địch bằng phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” thì mới giành được thắng lợi.

          Sau hội nghị, Đặc Khu ủy phân công các đồng chí Phạm Đức Nam, Phạm Thanh Ba xuống Sơn Ninh, huyện Quế Sơn gặp đồng chí Nguyễn Chánh (Bình) - Tư lệnh Mặt trận 4 truyền đạt nghị quyết của Thường vụ Đặc Khu ủy về đợt hoạt động Thu - Đông năm 1969. Tối hôm đó, các đồng chí phải treo võng ngủ lại giữa rừng. Trong ký ức của mình, đồng chí Phạm Thanh Ba nhớ rõ: “Hôm đó, trời vừa tối, mưa như thác đổ. Nằm trên võng, chúng tôi mở ra-đi-ô nghe bản tin về ngày kỷ niệm Quốc khánh 2.9. Có điều khác thường là chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm đó rất ít nói về ngày 2.9, mà phần lớn thời gian nói về Bác Hồ, lúc thì đọc lại các bài viết của Bác, lúc thì đọc lại những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù… với một giọng buồn buồn, không sôi nổi như những lần khác. Tôi linh cảm điều gì không vui xảy ra. Tôi mạnh dạn trao đổi với anh Nam về nhận xét này. Anh Nam cũng đồng ý. Suốt đêm hôm ấy chúng tôi không ngủ được, nằm mơ màng và suy nghĩ mông lung”.

          Sáng hôm sau, các đồng chí dậy sớm chuẩn bị lên đường, thì nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tin Bác Hồ từ trần. Lúc đó là “Đúng 6 giờ ngày 3.9”. Theo đồng chí Phạm Thanh Ba, tin Bác mất như sét đánh bên tai, lúc đó tất cả anh em trong đoàn đều quây quần bên chiếc ra-đi-ô để nghe rõ từng câu, từng chữ. Tất cả đều khóc nức nở với niềm thương tiếc vô hạn. Không ai nói với ai nửa lời. Một sự im lặng trong đau thương… Đồng bào miền Nam trước sau một lòng tin tưởng sắt đá vào Bác, vào Đảng, đứng lên chiến đấu quyết giành thắng lợi để được đón Bác vào thăm, được gặp Bác thỏa lòng mong ước bấy lâu. Nhưng từ nay Bác không còn nữa. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam sẽ không còn được nghe thơ chúc tết của Bác mỗi khi tết đến xuân về.

          Chuẩn bị mọi mặt

          Cũng trong thời gian này, tại cơ quan tiền phương Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà ở Lộc Đại, dưới chân núi Hòn Tàu, đồng chí Nguyễn Đình An - Ủy viên Ban Tuyên huấn nhận được một thư hỏa tốc, nội dung: “Mời anh An về ngay văn phòng làm việc với anh Phước (tức đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc Khu ủy) gấp”. Sau thời gian chuẩn bị, đúng khoảng một giờ, đồng chí Nguyễn Đình An và Hoàng Kim Tùng đã về đến Văn phòng Đặc Khu ủy. Vừa đến nơi, đồng chí Phạm Thanh Ba nói ngay: “Các anh lên chỗ ông già, ông đang trông các anh”.

          Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Đình An ghi lại: “Đón chúng tôi với vẻ mặt như báo sẽ có chuyện nghiêm trọng, anh Phước đưa cho tôi một miếng giấy. Đó là một bức điện mật của Thường vụ Khu ủy 5 gửi cho các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các Khu ủy viên ghi lại thông báo của Bộ Chính trị, tôi nhớ đại ý: “Nhiều ngày nay, Bác đau nặng, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đang tập trung mọi cố gắng để chạy chữa, song do tuổi cao bệnh nặng, có thể khó qua khỏi. Bộ Chính trị thông báo đến các cấp ủy đảng và các đồng chí biết và có kế hoạch sẵn sàng”. Đọc bức điện, tôi lặng đi, nước mắt cứ trào ra. Anh Phước bảo: “Các anh suy nghĩ chuẩn bị cho Thường vụ một kế hoạch phát động quần chúng và đấu tranh chống địch khi sự việc xảy ra”. Anh còn dặn: “Các anh biết thôi, đừng nói rộng ra. Tôi nghĩ rằng Bộ Chính trị đã thông báo thế này là tình hình xấu lắm rồi”. Chúng tôi xin phép ra về và nói sẽ trở lại ngay khi có tin”.

          Về đến cơ quan Ban Tuyên huấn tại Lộc Đại, đồng chí Nguyễn Đình An đã trao đổi về công việc hệ trọng này và đi đến thống nhất: Phải theo dõi chặt mọi nguồn tin từ Trung ương, ghi đủ các bản tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam, các bản tin của Thông tấn xã Việt Nam và các bản tin khác. Theo dõi phản ứng của Mỹ - ngụy, các thế lực, các tầng lớp nhân dân về sự kiện này, qua mọi nguồn báo cáo của cơ sở, qua báo chí vùng địch và các đài phương Tây. Đồng thời thảo một kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh chống địch (đồng chí Nguyễn Đình An là người được giao nhiệm vụ quan trọng này).

          Biến đau thương thành hành động

          “Nhờ vốn kiến thức đã tích lũy trước đó và có lẽ sâu xa hơn nhờ cảm thức sâu nặng đối với Bác, nhờ sự phù hộ của Bác tôi có đủ chất liệu, ý tứ để viết lời điếu và lời kêu gọi dù đêm đó ở một hốc núi, tôi không có trong tay một chút tài liệu nào. Thức gần trọn đêm, lúc lúc lại thấy nhói trong tim một nỗi đau khôn tả, bởi không thể nào tưởng tượng nổi trong cuộc chiến đấu này của chúng tôi, của cả dân tộc lại có lúc không có, không còn Bác Hồ. Sáng sớm, tôi đến chỗ làm việc của anh Phước, đọc cho anh nghe bài viết. Anh có vẻ hài lòng và chỉ yêu cầu sửa đôi chi tiết. Lời điếu ấy đã được anh Phước đọc trong buổi lễ truy điệu tổ chức ở cơ quan Thường vụ Đặc khu ủy” - theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Đình An.

          Sau khi Bác mất, biến đau thương thành hành động, ngành Tuyên huấn đã tuyên truyền, vận động đồng bào, chiến sĩ ở vùng giải phóng cũng như vùng địch tạm chiếm tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác Hồ. Nhiều hình thức để tang và truy điệu được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tổ chức, kể cả dưới hầm bí mật, không ít gia đình trong vùng địch kiểm soát đã lập bàn thờ để tưởng niệm Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng. Trong các khu dồn, nhà tù của địch, cán bộ, chiến sĩ tìm mọi cách làm lễ truy điệu Bác… Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức phát động phong trào đăng ký “Thề mãi mãi là dân cụ Hồ”; Ban Tuyên huấn Quảng Nam phát động cuộc vận động “Biến đau thương thành hành động cách mạng”, “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được nhân dân hưởng ứng tích cực; đồng thời ra được tập sáng tác thơ văn “Đời đời ơn Bác”.

          Tuy chưa được một lần gặp Bác, chưa được trực tiếp nghe những lời dạy ân cần của Bác, song có lẽ những cán bộ Tuyên huấn Quảng Nam, Quảng Đà đã nghĩ và làm theo lời dạy của Bác: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”, nên trong những ngày gian lao ác liệt ấy, trái tim của mỗi cán bộ chiến sĩ luôn đập một nhịp với trái tim nhân dân, suy nghĩ cùng cách nghĩ của nhân dân, ngày đêm nung nấu quyết tâm để mỗi việc làm, mỗi lời nói đều hợp lòng dân, đều vì dân.

(Bài viết có tham khảo hồi ký “Dấu ấn thời gian” của đồng chí Phạm Thanh Ba và hồi ký “Ngày ấy” của đồng chí Nguyễn Đình An)

LÊ NĂNG ĐỒNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19862156
Hôm nay
Hôm qua
4900
7315