A+ A A-

Khởi điểm cuộc trường chinh

      Cách đây 70 năm, ngày 19.12.1946, trước dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, sau khi tìm mọi cách để cứu vãn hòa bình không thành, Đảng ta - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, bình tĩnh, chọn đúng thời điểm phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Đó cũng chính là thời khắc lịch sử, khởi điểm cuộc trường chinh của dân tộc ta chống thực dân và đế quốc xâm lược.

    Sáng ngày 20.12.1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19.12.1946) được phát đi khắp cả nước:

     “Hỡi đồng bào toàn quốc!

     Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

     Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

    Hỡi đồng bào!

   Chúng ta phải đứng lên!

    Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước.

   Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

   Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

  Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

  Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

   Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

    VẬN MỆNH DÂN TỘC BỊ ĐE DỌA

  Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2.9.1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Mỹ công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Anh xuất phát từ quyền lợi thực dân và theo quỹ đạo của Mỹ cũng ra sức ủng hộ ý đồ của thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương.

   Nghìn cân treo sợi tóc

   Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước Việt - Pháp ngày 14.9.1946, tại Paris, Pháp. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước Việt - Pháp ngày 14.9.1946, tại Paris, Pháp. Ảnh tư liệu               

    Trước đó, từ ngày 17.7.1945 đến 2.8.1945, hội nghị của các nước chiến thắng thuộc phe Đồng minh đã được triệu tập ở Potsdam, ngoại ô thành phố Berlin, nước Đức, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ - Harry S.Truman, Thủ tướng Anh - Winston Churchill và lãnh tụ Xô-viết - Joseph Stalin để bàn về “những vấn đề quan trọng” sau Chiến tranh thế giới thứ II, thực ra đây là sự chia phần chiến thắng của các cường quốc. Tại hội nghị này, phe Đồng minh đã chia Việt Nam thành hai phần riêng biệt: Phía Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 (từ Đà Nẵng trở ra), là chiến trường của Trung Quốc do Thống chế Tưởng Giới Thạch chỉ huy; ở phía Nam vĩ tuyến 16 thuộc chiến trường Đông Nam Á do người Anh chỉ huy và khi chiến tranh kết thúc, chiến trường của ai thì lực lượng đó giải giáp quân Nhật. Điều này, đồng nghĩa với việc quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, của chính quyền non trẻ Hồ Chí Minh chưa được quốc tế công nhận, tức Quốc tế chưa công nhận nước Việt Nam độc lập.

    Trên thực tế, chính quyền cách mạng non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Bên trong, thiên tai và nạn đói đang đe dọa; nền kinh tế bị đình đốn, hàng hóa khan hiếm, hàng vạn người thất nghiệp; ngân khố quốc gia chỉ còn hơn 1 triệu đồng tiền lẻ cũ nát; tệ nạn xã hội tràn lan, nhân dân đa số mù chữ, thất học; bộ máy quản lý nhà nước thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, quân đội quốc gia Việt Nam với tên gọi Vệ quốc đoàn chưa đến 50.000 người, vũ khí hết sức thiếu thốn, thô sơ, cũ kỹ. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công. Từ vĩ tuyến 16 trở ra là 200.000 quân Tưởng, từ vĩ tuyến 16 trở vào có hơn 10.000 quân Anh và hơn 60.000 quân Nhật, cùng nhiều đảng phái phản động lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, lập lại chính quyền tay sai và cướp nước ta lần nữa.

   Đất nước đứng trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm” đang đe dọa vận mệnh dân tộc.

   Ra sức cứu vãn hòa bình

  Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23.9.1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Rồi chúng mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

   Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng, tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù, khi thì chúng ta tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để rảnh tay đối phó với quân Pháp, khi thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi đất nước.  

   Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14.9.1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hiệp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên hiệp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Đồng thời Hồ Chủ tịch liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta.

  Phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tại Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tại Hà Nội. Ảnh tư liệu   

   Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16.12.1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17.12.1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18.12.1946, tướng Môlie gửi cho ta 2 tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động, chậm nhất là sáng 20.12.1946.

   Thời khắc lịch sử

   Kẻ thù đã đặt dân tộc Việt Nam trước hai con đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại làm nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giữ lấy tự do, độc lập. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập, dân tộc.

   Ngày 18 và 19.12.1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19.12.1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19.12.1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân và dân thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

   TOÀN DÂN TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN

    Cuộc kháng chiến bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội, nơi có Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi thực dân Pháp có ý định đánh úp cơ quan đầu não và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Nơi đây trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ lúc 20 giờ ngày 19.12.1946, quân và dân thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não; triển khai tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng nghìn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến.

   Hưởng ứng lời kêu gọi, phối hợp với thủ đô Hà Nội, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên, ngay từ những ngày đầu đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong các thành phố, thị xã, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến...

T.S

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19840251
Hôm nay
Hôm qua
1868
20945