Ngày 10.1.2018, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm, giao chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2018. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND Tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Về phía đầu cầu huyện Duy Xuyên có đồng chí Nguyễn Công Dũng, tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện; Phan Xuân Cảnh, phó bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện; lãnh đạo các phòng ban của huyện. Đồng chí Đinh Văn Thu, phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Huỳnh Khánh Toàn, ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnhđạt hơn 63.000tỷ đồng, tăng 5,09% so với giá trị thực hiện năm 2016 (nhưng tăng 10% so với ước thực hiện khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 và thấp hơn mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh là 1,5-2%). Tuy vậy, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp chiếm 88,4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,6%. GRDP bình quân đầu người hơn 56 triệu đồng/người, tăng 4 triệu đồng/người so với năm 2016. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt gần 79 nghìn tỷ đồng, tăng trên 2% so với năm 2016. Ngoại trừ giá trị ngành ô tô giảm thì đa số các ngành khác đều đạt và vượt so với kế hoạch; một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với năm 2016 như: thủy sản chế biến, quần áo may sẵn, điện, giày dép các loại, sản xuất đồ uống. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng gần 44,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13,8% so với năm 2016. Đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, đáng chú ý là Festival Di sản Quảng Nam và các hoạt động hưởng ứng tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tổ chức tại tỉnh, đã tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá và thu hút du lịch. Tổng lượt khách tham quan và lưu trú hơn 6,1 triệu lượt, tăng 22,7%. Doanh thu du lịch năm 2017 hơn 3.860 tỷ đồng, tăng 24,5 % so với năm 2016. Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, tuy nhiên mức tăng trưởng đạt khá so với năm trước. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng trên 4% so với năm 2016. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 520 nghìn tấn, tăng 20 nghìn tấn so với năm 2016. Sản lượng thủy sản đạt hơn 107 nghìn tấn, tăng hơn 9,5% so với năm trước; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản hơn 87,5 nghìn tấn, tăng 9,6%, sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 21,3 nghìn tấn, tăng hơn 9,2% so với năm 2016. Lâm nghiệp phát triển ổn định nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động trồng và chăm sóc rừng.
Về một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng, năm 2017, toàn tỉnhtổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 25,3% so với đầu năm. Tín dụng tăng đều từ đầu năm, nhưng mức tăng chậm, riêng những tháng cuối năm do nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tăng cao nên tín dụng tăng trưởng khá. Tính đến cuối năm tổng dư nợ gần 50.960 tỷ đồng, tăng 18,5% so với đầu năm, thấp hơn so với năm 2016. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 18.780 tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 14.200 tỷ đồng, vượt dự toán năm. Hầu hết các sắc thuế thu đều tăng và vượt dự toán thu; riêng thu từ khu vực ngoài quốc doanh không đạt tiến độ thu và dự toán giao, chủ yếu do nguồn thu lớn từ Công ty ô tô Trường Hải đạt thấp, đạt hơn 52,3% dự toán giao. Thu xuất nhập khẩu gần 4.200 tỷ đồng, bằng 62,3% dự toán, thấp hơn 34% so với năm 2016. Tổng chi ngân sách địa phương hơn 24.385 tỷ đồng, tăng 19,6% so với dự toán; trong đó, chi thường xuyên 11.697 tỷ đồng, bằng 97% dự toán, chi đầu tư phát triển 6.228 tỷ đồng.Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 119, Nghị quyết số 13 của HĐND, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 9,45%, giảm 1,68% so với năm 2016, tuy nhiên mức giảm này vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2018, UBND tỉnh đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu chủ yếu, đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội miền núi. Phát triển văn hóa, con người. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hiệu lực quản lý nhà nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mục tiêu năm 2018, Quảng Nam phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng khoảng 8-8,5% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm trên 28,5-29% GRDP. Thu nội địa tăng hơn 9% so với dự toán trung ương giao năm 2017. Số lượng lao động qua đào tạo 480.000 người, chiếm tỷ lệ 58,5% so với tổng số lao động. Giảm 5.000 - 5.500 hộ nghèo...
Để đạt mục tiêu nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phấn đấu phát triển thêm khoảng 1.100 doanh nghiệp (nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 7.100 doanh nghiệp), và 40 hợp tác xã (nâng số hợp tác xã hoạt động lên 227 hợp tác xã). Trong đó tập trung thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp; hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ thành lập, phát triển và liên kết hoạt động các không gian làm việc chung, vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai; thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB để thu hút và triển khai các dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động, nhất là các nhóm dự án Vùng Đông Nam. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020; chương trình đào tạo gắn với giải quyết việc làm, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế, có trọng tâm. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các Chương trình, dự án giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…
Về những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người nghèo, các hộ dân tái định cư các dự án thủy điện... kịp thời tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ và xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo tốt an sinh xã hội trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân thiếu lương thực trong dịp trước, trong và sau Tết. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức đón mừng năm mới và Tết nguyên đán, đảm bảo cho nhân dân trong tỉnh đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Hoàng Thơ