Với các đoàn viên công đoàn, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ ở điều lớn lao, mà chọn cách thực hiện vừa sức, thiết thực trong công việc và cuộc sống.
Ông Võ Quốc Hai (đứng bên phải) thăm hỏi ngư dân của nghiệp đoàn sau một chuyến ra khơi. Ảnh: D.L
Đồng hành với ngư dân
Từ khi Nghiệp đoàn Nghề cá xã Duy Hải (Duy Xuyên) đi vào hoạt động đến nay, ngư dân được gắn kết trong một nghiệp đoàn để bảo vệ lẫn nhau lúc hoạt động trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nghiệp đoàn đứng vững, bảo vệ được quyền lợi cho đoàn viên, công lớn nhờ ông Võ Quốc Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn hiện có 250 đoàn viên tham gia, chia thành 5 tổ, đội khai thác theo tiêu chí “3 cùng”: cùng nghề, cùng địa bàn, cùng ngư trường. Với 140 tàu thuyền đủ loại, hoạt động của ngư dân những năm gần đây rất gắn kết. Ông Hai tham mưu cấp trên tổ chức cho đoàn viên được học tập Điều lệ Công đoàn; tập huấn, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là pháp luật về chủ quyền biển đảo; Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Môi trường... Qua đó, giúp ngư dân nâng cao nhận thức, biết được vùng biển nào có quyền đánh bắt, vùng biển nào là hạn chế đến, không nên xâm phạm, tránh những thiệt hại không đáng có, bảo vệ tính mạng và tài sản.
Đảm nhận công việc của nghiệp đoàn từ năm 2013 đến nay, không phụ cấp, không chế độ, nhưng ông Võ Quốc Hai vẫn làm hết sức tâm huyết và trách nhiệm. Không chỉ trong địa bàn xã Duy Hải, ông Võ Quốc Hai cùng chính quyền các xã ven biển lân cận đoàn kết ngư dân khi hoạt động trên biển. Ông Võ Quốc Hai cho biết, từ khi tham gia vào nghiệp đoàn, nhiều ngư dân, tàu cá đã tăng cường đoàn kết trong các tổ, đội đánh bắt thủy hải sản trong cùng khu vực, trao đổi thông tin về tình hình mưa bão trên biển, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có tàu lạ uy hiếp hay gặp nạn. Chính vì thế, ngư dân ngày càng ủng hộ chủ trương đúng đắn nói trên, nhờ đó các nghiệp đoàn nghề cá ngày càng hoạt động hiệu quả, với số lượng đoàn viên tham gia không ngừng tăng lên. Không chỉ Duy Hải, mà còn có Duy Vinh, Duy Nghĩa cũng đã thành lập và củng cố các nghiệp đoàn, đoàn kết giữa 3 xã để cùng nhau vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta. “Chỉ cần thấy ngư dân quay về an toàn, vui với mẻ cá đầy sau những ngày lênh đênh trên biển là tôi hạnh phúc. Đó là nguồn động lực để tôi làm công việc này trong những năm qua” - ông Hai nói.
Cho đi lòng nhân ái
Làm công việc chữa bệnh cứu người, bác sĩ Trần Ngọc Pháp luôn khắc ghi lời dạy “lương y như từ mẫu” của Bác Hồ từ khi bước chân vào nghề. Công tác trong môi trường làm việc khá căng thẳng ở Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch, trong điều kiện làm việc còn thiếu thốn nhiều thứ như kinh phí còn hạn chế, biên chế, nhân lực bác sĩ chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, bác sĩ chủ yếu đào tạo liên thông từ nguồn y sĩ tại chỗ của bệnh viện... nên BV gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Bác sĩ Trần Ngọc Pháp chia sẻ: “BV luôn chú trọng đến công tác y đức đi đôi với biện pháp phòng bệnh có khoa học, đặc biệt là tại các khoa có bệnh lao phổi xuất hiện vi trùng và lao kháng đa thuốc. Đến nay, phần lớn cán bộ, công nhân viên không ngại lây nhiễm vì khi không có khoảng cách, bác sĩ mới điều trị tốt cho bệnh nhân được. Dù khó khăn nhưng BV vẫn phấn đấu phát triển từng bước nâng dần trình độ chuyên môn, phát triển các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng. Cuối năm 2018 đã triển khai được kỹ thuật nội soi màng phổi, là kỹ thuật cao đầu tiên được triển khai tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay cơ bản BV đã đáp ứng được công tác khám chữa bệnh chuyên ngành, góp phần vào công tác triển khai hoạt động chuyên ngành trên toàn tỉnh”.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Trần Ngọc Pháp còn cố gắng thực hiện tốt công tác xã hội trong BV, góp phần hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với người bệnh. BV đã kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên tiếp cận và tranh thủ các tổ chức, cá nhân làm từ thiện giúp đỡ người bệnh, kết quả người bệnh được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng/năm dưới các hình thức bằng tiền, quà, suất ăn ngoài chế độ nhà nước hỗ trợ cho người bệnh. Bản thân ông cũng là một trong những người tâm huyết sáng lập ra Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) tại Việt Nam, quỹ được sử dụng để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân lao (đối tượng nghèo chưa có thẻ BHYT), hỗ trợ các chi phí điều trị chưa được BHYT chi trả. Dù thành lập chưa lâu, quỹ đã hỗ trợ gần 60 triệu đồng cho bệnh nhân lao tại BV Phạm Ngọc Thạch.
LÊ DIỄM