A+ A A-

Duy Xuyên với những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu trên lĩnh vực khoa giáo

    Công tác khoa giáo là một bộ phận quan trọng của công tác tuyên giáo trong công tác xây dựng Đảng; là nền tảng trong chiến lược phát triển con người và có ý nghĩa nhất định trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Các lĩnh vực công tác khoa giáo liên quan đến từng cơ quan, đơn vị, gia đình và mỗi cá nhân và chiếm vị trí trọng yếu trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác khoa giáo, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo từ huyện đến cơ sở đã tham mưu đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ về công tác Tuyên giáo nói chung, lĩnh vực khoa giáo nói riêng, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của huyện.

   

Ban Tuyên giáo huyện ủy Duy Xuyên nhận cờ dẫn đầu thi đua năm 2015

  Trước tiên, việc chủ động tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với các ngành có liên quan trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực khoa giáo có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Sau khi có chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, Ban đã chủ động phối hợp cùng các ngành có liên quan tham mưu cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện và tổ chức hội nghị học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của các ngành, địa phương. Bên cạnh việc phối hợp với các ngành trong khối khoa giáo duy trì việc kiểm tra theo định kỳ ở cơ sở, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ động phối hợp cùng UBKT Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của Huyện ủy; mỗi năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực công tác khoa giáo đối với ít nhất 1 – 2 xã, thị trấn và một số ngành liên quan. Nhờ thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, qua đó kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết và có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

   Cùng với việc tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, quán triệt, xây dựng các văn bản, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác khoa giáo, việc sơ kết, tổng kết cũng được xem là khâu quan trọng trong quá trình cụ thể hoá nhằm đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ban đã phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác khoa giáo. Hầu hết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác khoa giáo ban hành sau 3 đến 5 năm đều được cấp ủy tiến hành sơ kết, sau 10 năm tiến hành tổng kết. Nhờ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ, tổng kết kịp thời mà hoạt động công tác khoa giáo ngày càng đạt hiệu quả thiết thực.

   Giải pháp quan trọng trong công tác tham mưu cho cấp ủy thực hiện công tác khoa giáo ở Duy Xuyên là việc duy trì thường xuyên công tác giao ban hằng quý và tổ chức các cuộc làm việc định kỳ, đột xuất với các ngành trong khối khoa giáo. Định kỳ hằng quý, Ban Tuyên giáo tổ chức hội nghị giao ban với các ngành khoa giáo có sự tham dự của đại diện Thường trực Huyện ủy. Sau hội nghị giao ban, Ban Tuyên giáo tổng hợp và tham mưu ban hành thông báo kết luận, chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc mà thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị đang đặt ra, làm cơ sở để các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cùng với duy trì thường xuyên việc giao ban, Ban đã tổ chức được các buổi làm việc giữa Thường trực Thường vụ Huyện ủy, Ban Tuyên giáo với UBND và các ngành liên quan trong khối văn hóa, khoa giáo nhằm nắm bắt và đưa ra những chủ trương, định hướng trong việc xây dựng các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thuộc lĩnh vực khoa giáo trước khi ban hành.

   Công tác tham mưu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong những năm qua đã có tác động tích cực, hiệu quả đến công tác khoa giáo trên địa bàn huyện. Chất lượng giáo dục ở các cấp học ở huyện Duy Xuyên có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đạt 100%; tốt nghiệp THCS trên 98%; chất lượng giáo dục THPT cũng được ghi nhận và được đánh giá nổi bật của tỉnh, hàng năm có trên 65% học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng. Trong các cuộc thi học sinh giỏi, Duy Xuyên luôn là huyện ở tốp đầu toàn tỉnh, có giải cao ở cấp tỉnh và cấp Quốc gia bậc THPT. Có 46/54 trường đạt chuẩn Quốc gia với tỷ lệ 85,1%. Đã từng bước phát huy xã hội hóa giáo dục ở bậc học mầm non với 3 trường mầm non tư thục ra đời, đủ điều kiện hoạt động tốt và tháo gỡ được gánh nặng quá tải ở một số địa bàn đông dân cư, nhất là vùng có khu, cụm công nghiệp. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, toàn huyện đã có 13/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011- 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 83,02% dân số, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 6%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, đến nay 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới đều đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2015. Các giá trị văn hóa truyền thống, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được gìn giữ và phát huy tốt; đã tổ chức thành công chương trình "Sân khấu học đường" do Phòng VH-TT, Phòng GD-ĐT phối hợp với Hội Bảo trợ Tuồng huyện tổ chức, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng truyền thống ở địa phương. Phối hợp và xuất bản nhiều ấn phẩm văn nghệ có giá trị như: phối hợp với Đài Truyền hình Trung ương phát hành bộ phim tư liệu “Duy Xuyên - Một miền quê xứ Quảng”; sưu tầm và phát hành tập nhạc "Giai điệu Duy Xuyên", biên soạn và phát hành tập sách “Duy Xuyên - Vùng đất và con người”. Xây dựng giáo trình và tuyên truyền có hiệu quả về các giá trị nổi bật toàn cầu của DSVHTG Mỹ Sơn và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn đến giáo viên và học sinh tất cả các trường trong huyện; hoàn thành việc lập hồ sơ và đệ trình danh mục Báu vật quốc gia cho hiện vật Mukhalinga tại Mỹ Sơn...

  Từ thực tiễn công tác, trong thời gian tới để thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao  trong công tác phối hợp tham mưu trong lĩnh vực khoa giáo, xin nêu một số giải pháp cơ bản sau:

   Thứ nhất,các ngành trong khối khoa giáo cần nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên từng lĩnh vực của ngành; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình thực tiễn để tham mưu đúng và kịp thời. Cán bộ làm công tác tuyên giáo nói chung và khoa giáo nói riêng, muốn làm tốt chức năng tham mưu cần không ngừng học tập, nghiên cứu và phải có hiểu biết sâu vấn đề tham mưu, có phương pháp làm việc tốt, có năng lực dự báo, tổng hợp, phân tích, lựa chọn những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách để tham mưu tổ chức thực hiện.

   Thứ hai,quan hệ chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo và các ngành trong Khối khoa giáo, qua đó duy trì thường xuyên chế độ báo cáo, cung cấp thông tin hai chiều để hiểu sâu hơn tình hình thực tiễn của các ngành trong khối, từ đó phối hợp chặt chẽ giữa Ban và các ngành để tham mưu hiệu quả trên từng lĩnh vực khoa giáo.

   Thứ ba,trong công tác tham mưu, phải luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng là tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra; các văn bản tham mưu phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải chung chung; nội dung, bước đi, cách làm phải phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi cao.     

    Thứ tư,muốn sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực khoa giáo có chất lượng, cơ quan tham mưu phải chủ động hướng dẫn cụ thể cho các ngành, địa phương những nội dung cần tập trung đánh giá, tổng kết. Việc sơ kết, tổng kết phải được tiến hành đồng bộ và nghiêm túc từ cơ sở lên. Trong quá trình chuẩn bị sơ kết, tổng kết cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn và các địa phương trong việc thu thập, cập nhật thông tin, đánh giá đúng và sát tình hình.

   Thứ năm, để công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với các ngành trong khối khoa giáo từng cấp hoạt động có chất lượng và hiệu quả cao, đề nghị cấp uỷ từng cấp có văn bản chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với các ngành trong khối khoa giáo; đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khoa giáo./.

Bùi Ba- UVBTV- Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19845212
Hôm nay
Hôm qua
922
5907