Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được các cấp, các ngành ở huyện Duy Xuyên triển khai rộng khắp với hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ vậy, nhiều mô hình trên các lĩnh vực phát huy hiệu quả, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Người dân thôn Tân Thọ (xã Duy Châu) tích cực tham gia sản xuất các loại bánh truyền thống. Ảnh: H.N
Phát triển kinh tế
Nhận thấy hiệu quả mang lại từ việc sản xuất bánh truyền thống, những năm qua người dân thôn Tân Thọ (Duy Châu, Duy Xuyên) mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất bánh in, bánh nổ, bánh tổ, bánh ú tro...
Ông Đỗ Văn Tuấn - người dân địa phương cho biết, bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch hằng năm, gia đình ông chuẩn bị nguyên vật liệu và bắt tay vào việc làm bánh nổ. Trung bình mỗi ngày, một người có thể kiếm được 300 nghìn đồng. Ông Tuấn nói: “Được sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương, mấy năm gần đây, người dân tập trung sản xuất nhiều loại bánh theo phương thức truyền thống, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông nhàn”.
Hiện thôn Tân Thọ có hơn 50 hộ dân tham gia làm các loại bánh, thị trường cung ứng chủ yếu Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình và TP.Đà Nẵng, Tam Kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi gia đình có mức thu nhập không dưới 12 triệu đồng/tháng, góp phần giữ nghề gia truyền. Theo ông Nguyễn Tám - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duy Châu, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, những năm gần đây địa phương tập trung vận động, tuyên truyền và thành lập tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Phạm Được - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho biết, những năm qua địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nỗ lực vận động nhân dân xây dựng nền nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ra đời.
Đơn cử, khoảng 10 năm nay, hàng trăm hộ xã viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Hòa 2 duy trì mối liên doanh, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ lúa giống với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh... Bình quân mỗi vụ, xã viên của HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2 cung ứng cho các doanh nghiệp hơn 300 tấn lúa giống các loại. Hay tại vùng cực tây của huyện Duy Xuyên, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sắn, cây lâm nghiệp sang trồng hồ tiêu ở thôn Thạnh Xuyên (xã Duy Thu) cũng đạt giá trị kinh tế cao. Qua khảo sát, toàn xã hiện có hơn 40 hộ dân tham gia trồng 8ha tiêu, bình quân mỗi vụ 1ha đạt năng suất 40 - 42 tạ hạt tiêu khô…
Đảm bảo an ninh trật tự
Trước tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, Đảng ủy thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) chỉ đạo xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự.
Theo đó, đầu năm 2018 cán bộ, nhân dân khối phố Long Xuyên 1 tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt 12 camera tại các tuyến đường trọng điểm, ngã ba, ngã tư và thiết bị theo dõi, lưu trữ, trích xuất hình ảnh đặt tại Đồn Công an thị trấn Nam Phước. Chỉ sau thời gian ngắn, mô hình phát huy tác dụng trong việc trích xuất hình ảnh đối tượng vi phạm pháp luật, làm cơ sở trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thiếu tá Lê Trung Tài - Phó Trưởng Công an thị trấn Nam Phước cho hay, đến nay toàn thị trấn đã có 5/10 khối phố lắp đặt camera giám sát an ninh, gồm Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Bình An, Xuyên Đông, Phước Xuyên với 73 mắt, tổng giá trị đầu tư hơn 120 triệu đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí trên đều do cán bộ, nhân dân tự nguyện đóng góp. “Có thể khẳng định, việc đưa mô hình camera giám sát an ninh vào hoạt động trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho lực lượng công an trong việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc quan trọng” - Thiếu tá Tài nói.
Ông Phạm Được - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho biết, toàn huyện hiện có 82 mô hình “Dân vận khéo” đã và đang hoạt động hiệu quả ở cơ sở. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 17 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội 47 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh 13 mô hình và lĩnh vực hệ thống chính trị có 5 mô hình. Qua đó, góp phần tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống nhân dân. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.Những năm gần đây, nhiều địa phương ở Duy Xuyên đã đưa vào hoạt động đa dạng mô hình giữ gìn an ninh trật tự như xây dựng lực lượng dân phòng vững mạnh, tiếng kẻng an ninh, tiếng mõ nhân dân ở xã Duy Phú; camera an ninh, tiếng kẻng an ninh ở xã Duy Hòa; các xã Duy Châu, Duy Sơn, Duy Vinh với mô hình chi hội nông dân không vi phạm pháp luật, không có tội phạm và tệ nạn xã hội; tiếng loa an ninh ở Duy Phước; cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự ở xã Duy Trung...
HOÀI NHI