Thực hiện Quyết định 218 của Bộ chính trị Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Duy Xuyên đã tổ chức 3 cuộc hội nghị diễn đàn nhân dân đối thoại với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền; góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn huyện năm 2018.
Thông qua các buổi đối thoại do Mặt trận tổ chức, nhiều ý kiến tích cực của nhân dân đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền huyện Duy Xuyên. Ảnh: PHAN VINH
Để người dân có điều kiện dự các cuộc đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Duy Xuyên chia thành 3 cuộc hội nghị ở 3 cụm. Cụm khu đông tổ chức tại xã Duy Thành gồm các xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa và Duy Hải. Cụm khu trung tổ chức tại xã Duy Trinh gồm các xã thị trấn Nam Phước, Duy Trung, Duy Sơn và Duy Trinh. Cụm khu tây tổ chức tại xã Duy Tân gồm các xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân, Duy Hòa và Duy Châu. Tại các cuộc hội nghị đối thoại với người dân, các đồng chí: Nguyễn Công Dũng-Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Quang Mạnh- Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Duy Xuyên. Đồng chí Phạm Được, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện dự các cuộc hội nghị đối thoại với người dân. Lãnh đạo đại diện cho các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND-HĐND, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên toàn huyện và lãnh đạo 14 xã-thị trấn dự các cuộc hội nghị đối thoại.
Đây là hội nghị đối thoại nhằm phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chính vì vậy, tại 3 cuộc hội nghị thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân có gần 625 người dự.
Người dân thẳng thắn góp ý với người đứng đầu.
Tại các hội nghị, đã có 45 lượt ý kiến góp ý trực tiếp và 1 ý kiến góp ý bằng văn bản của người dân. Nhiều ý kiến của người dân đánh giá cao vai trò trách nhiệm của đồng chí Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận kết quả đạt được của các phòng, ban, ngành trên địa bàn huyện trong thời gian qua, thể hiện trách nhiệm đối với Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, qua các buổi đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người người dân cũng mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề xuất những giải pháp trên các lĩnh vực, chủ yếu là việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công cách mạng. Vấn đề người dân quan tâm nhất là việc thực hiện quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đối tượng người có công cải thiện nhà ở, nhiều đối tượng đủ điều kiện nhưng chưa được giải quyết hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà ở. Bà Bùi Thị Khoa hiện ở tại thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu bức xúc kiến nghị: hộ bà nằm trong đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, theo như hồ sơ ban đầu thì bà được hưởng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 40 triệu đồng để xây mới nhà tuy nhiên đến khi nghiệm thu bàn giao nhà thì bà chỉ nhận được 20 triệu đồng mức hỗ trợ để sửa chữa nhà ở.
Về nông nghiệp, người dân kiến nghịhiện nay ở một số địa phương như các xã: Duy Thu, Duy Tân, Thị trấn Nam Phước, Duy Trung, Duy Trinh giao thông nông thôn, mương tưới thuỷ lợi ở nhiều cánh đồng chưa được đầu tư xây dựng và các công trình giao thông, thủy lợi đã xuống cấp. Hay vấn đề, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước cần cócác giải pháp phát triển bền vững đối với sản xuất nông nghiệp, xây dựng được chuỗi liên kết giá trị, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thiếu bền vững, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.
Một vấn đề diễn ra lâu nay, nhiều lần người dân bức xúc kiến nghị nhưng không được khắc phục, đó là về chất lượng, hiệu quả và khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân tại Trung tâm Y tế Duy Xuyên và một số trạm y tế của các địa phương.
Người dân rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ởmột số địa phương như: Duy Vinh, Duy Hòa, Duy Trinh; một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất- kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, người dân ởcác xã Duy Nghĩa, Duy Hải nằm trong vùng Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đề nghị các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ liên quan đến đất đai, giải tỏa đền bù, phục vụ xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Phải nói rằng, người dân quan tâm nhiều nhất là việc đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng. Cụ thể ý kiến của người dân kiến nghị việc Công ty Trico đã khảo sát, niêm yết giá đền bù cho các hộ dân xóm Xuân Sơn, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh bị ảnh hưởng do đánh mìn khi thi công đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi nhưng đến nay vẫn chưa chi trả cho các hộ theo đúng thời gian đã cam kết trước đây. Bên cạnh,Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua xã Duy Sơn đã sắp hết thời hạn, nhưng các tuyến đường dân sinh bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công tuyến cao tốc này đến nay vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân.
Tại các cuộc đối thoại với người dân, với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, lãnh đạo huyện Duy Xuyên đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, đề xuất của người dân. Những vụ việc, vấn đề mà người dân phản ánh, trao đổi đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện và các cơ quan chức năng làm rõ, trả lời cụ thể, xác đáng ngay tại buổi đối thoại.
Đối với những vấn đề cần có thời gian để xác minh, làm rõ, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Bí thư huyện, Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Quang Mạnh Phó bí thư Thường trực huyện ủy giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết kịp thời cho người dân.
Qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Duy Xuyên với người dân cho thấy, có thể coi việc đối thoại là thước đo tâm trạng của nhân dân. Khi dân còn nói với cấp ủy, chính quyền có nghĩa dân rất tin yêu Đảng, chính quyền. Đối thoại còn là dịp để nhân dân đề xuất, bày tỏ mong muốn, hiến kế và đây còn là kênh giám sát quan trọng. Mặt khác, qua những câu hỏi, chất vấn, kiến nghị người dân nêu lên, tổ chức Đảng và người đứng đầu thấy rõ trách nhiệm của mình để chăm lo giải quyết nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả, không qua loa, lấy lệ. Và đối thoại để Đảng, Chính quyền gần dân hơn.
Hoàng Thơ