Là một địa phương ven biển có số lượng ngư dân khá nhiều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đã xây dựng mô hình cột mốc đảo Trường Sa trên trục đường chính từ nguồn đóng góp của các cựu chiến binh thôn Lệ Sơn.
Mô hình cột mốc này nằm trên trục đường chính dẫn xuống cầu Cửa Đại. Ảnh: PHAN VINH
Những tháng gần đây, nhiều người lưu thông trên con đường dẫn xuống 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải ấn tượng với mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa đặt tại ngã 3 khu tái định cư (thuộc tổ 11, thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa). Công trình này cao 2m, rộng 1.2m, với tổng kinh phí hơn 6 triệu đồng, do 39 hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Lê Sơn quyên góp xây dựng cùng sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh xã Duy Nghĩa. Trên mô hình cột mốc có ghi rõ tọa độ của đảo Trường Sa, cờ Tổ quốc... “Là người dân ở đây, tôi thấy tự hào về mô hình này, tuy nhỏ nhưng phần nào cũng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta” - ông Phạm Liễn (trú tại thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa) chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phong - Chi hội Trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Lệ Sơn cho biết, những năm gần đây, chủ quyền biển đảo của nước ta rơi vào vấn đề nóng. Việc xây dựng mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại tuyến đường chính trên địa bàn Duy Nghĩa nhằm khẳng định với người dân, nhất là ngư dân trong xã trực tiếp đánh bắt trên ngư trường truyền thống về chủ quyền biển đảo của nước ta. Đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục cho thế hệ sau về chủ quyền biển đảo mà cha ông dày công phai phá, gìn giữ.
Ông Nguyễn Tấn Liêm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Duy Nghĩa cho biết: “Từ xưa đến nay, tại địa phương cũng có khá nhiều ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ như ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Trong thời gian sắp đến, xã Duy Nghĩa sẽ có 2 tàu vỏ thép được hoàn thành theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển và việc xây dựng mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại thôn Lệ Sơn đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo động lực cho bà con ngư dân ra khơi”.
PHAN VINH