Tất cả các địa phương phải chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang kết hợp giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính... là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều nay 7.5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì điểmcầu trực tuyến tại Quảng Nam.
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Quảng Nam.
Tại hội nghị, Bộ Y tế báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Tính đến trưa ngày 7.5, tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 3.110 trường hợp, trong đó 1.711 ca trong nước, 2.560 trường hợp đã khỏi bệnh.
Kết quả điều tra, xét nghiệm, cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với đợt dịch từ ngày 28.4 đến 7.5 đã ghi nhận 6 ổ dịch cộng đồng với tổng số 146 trường hợp mắc tại 16 tỉnh/thành phố.
Trong đó, ổ dịch tại Đà Nẵng hiện ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 3.5 và chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Từ bệnh nhân này đã lây cho 4 người tiếp xúc gần khác tại Quảng Nam và Đồng Nai. Đến ngày 7.5, ghi nhận thêm 3 trường hợp tại Đà Nẵng, 1 trường hợp tại Quảng Ngãi có liên quan đến quán bar New Phương Đông.
Thông tin từ Bộ Y tế, dịch tại Đà Nẵng ghi nhận sự lưu hành biến chủng vi rút được phát hiện tại Anh (B.1.1.7).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ tư tưởng chủ đạo là "chống dịch như chống giặc, chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất".
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, nhắc nhở của Chủ tịch nước, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19.
Thủ tướng cho rằng, so với các nước xung quanh, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, phải chống hai khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, các địa phương phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vắc xin và tiêm vắc xin trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.
Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là “5K + vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở, đặc biệt tại những địa phương có đường biên giới giáp với các nước bạn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch ở địa phương mình.
Xuân Hiền