Có 12 luật hiệu lực thi hành từ 1.7, bao gồm: Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Giáo dục; Luật Quản lý thuế; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi; Luật Thư viện; Luật Dân quân tự vệ sửa đổi; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung; Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi; Luật Kiến trúc; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Bỏ biên chế viên chức tuyển dụng mới
Theo Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, không còn chế độ biên chế với người được tuyển dụng mới từ 1.7.2020. Những người đã được tuyển dụng trước 1.7.2020, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được hưởng biên chế. Một trong những thay đổi lớn nhất với cán bộ, công chức là thay đổi về ngạch công chức. Theo đó, bổ sung ngạch công chức mới là “ngạch khác” ngoài 4 ngạch hiện hành (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên)...
Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất đến 45
Luật Lực lượng dự bị động viên quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Trong đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu; nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu...
Giáo viên phải nâng chuẩn trình độ đào tạo
Nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp là quy định mới của Luật Giáo dục. Theo đó, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận. Về việc biên soạn sách giáo khoa, luật quy định mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa và khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Thêm trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ
Luật Dân quân tự vệ sửa đổi bổ sung các trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, là lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo…; đồng thời bổ sung quy định, dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ)…
Giảm số lượng đại biểu HĐND
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung một số quyền của Chính phủ như quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ… Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu HĐND đồng thời cũng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp…
Thêm quy định về quản lý thuế
Luật Quản lý thuế có thêm quy định với hoạt động thương mại điện tử và mở rộng quyền của người nộp thuế cũng như bổ sung trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Bên cạnh đó, quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2022 nhưng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày này.
Nhiều quy định mới về thủ tục làm hộ chiếu
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với các nội dung đáng chú ý về thủ tục làm hộ chiếu như: hộ chiếu được gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam mà không có sự phân biệt về độ tuổi; có căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào…
Bí mật Nhà nước phân thành 3 cấp độ
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, được phân thành 3 mức độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến: 30 năm với bí mật nhà nước độ tuyệt mật; 20 năm với bí mật Nhà nước độ tối mật; 10 năm với bí mật Nhà nước độ mật…
CHÂU NỮ (TỔNG HỢP)