Một số quy định về công bố dịch, công bố hết dịch, về khai báo, báo cáo dịch và tổ chức cách ly y tế theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm nhất là trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Ban Biên tập Cổng TTĐT của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh xin giới thiệu đến bạn đọc một số quy định của pháp luật có liên quan đến việc phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Thứ nhất, về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiếm:
- Về nguyên tắc: Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố; Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
- Về thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;
+ Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;
+ Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
+ Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch.
- Về điều kiện công bố dịch được quy định cụ thể tại Điều 2, Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016, theo đó, điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm:
+ Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
+ Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C: Một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Thứ hai, nội dung công bố dịch bao gồm: Tên bệnh dịch; thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; các biện pháp phòng, chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm các nội dung này phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch
Thứ ba, điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch: Được thực hiện theo Điều 40, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều 3 Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, theo đó, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
- Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.
Khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới là khoảng thời gian bằng thời gian ủ bệnh truyền nhiễm đó. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể thời gian ủ bệnh đối với từng bệnh truyền nhiễm.
Trong trường hợp Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo mới về các điều kiện công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm khác với các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì việc xác định bổ sung các điều kiện theo khuyến cáo mới được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm được quy định tại Phụ lục của Quyết định 02/2016/QĐ-TTg. Đến ngày 26/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg bổ sung thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19, theo đó, thời gian ủ bệnh trung bình đối với bệnh Covid -19 là 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mới là 28 ngày.
Thứ tư, về khai báo, báo cáo dịch, Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.
Chế độ khai báo, báo cáo dịch được quy định cụ thể tại Chương II, Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Thứ năm, về tổ chức cách ly y tế: Thực hiện theo Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiếm, theo đó: Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
Về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Theo đó:
- Biện pháp cách ly y tế tại nhà được áp dụng đối với các trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch, trừ đối tượng là người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh dịch thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là một số bệnh thuộc nhóm B); Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B; người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
- Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp: Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.
- Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp: Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.
- Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.
Trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Thứ sáu, về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài: Được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
- Thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 4 và 5 Nghị định này. Riêng việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài được thực hiện như sau:
+ Đối với trường hợp người nước ngoài có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và thân nhân của họ. Đồng thời gửi văn bản thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;
+ Đối với trường hợp người nước ngoài không có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế gửi thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm
Theo quy định tại Điều 8, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm như trên làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật như sau:
Thứ nhất, sẽ bị xử phạt hành chính tại khoản 2 Điều 6, Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Đối với hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác lên không gian mạng (thuộc hành vi cấm tại Điều 8 Luật An ninh mạng) thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Kể từ ngày 15/4/2020, mức phạt này được quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Thứ hai, nếu hành vi vi phạm ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
+ Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Làm chết người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
+ Làm chết 02 người trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.