Ở nước ta hiện nay, công tác quản lý dân cư do nhiều Bộ, Ngành cùng thực hiện nhằm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước; đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những thông số khác nhau (Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn, Sổ hộ khẩu, Thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ…). Thông tin trong các giấy tờ này có nhiều nội dung trùng lặp như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch… nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia các giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.
Việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẽ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí về nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư về cơ sở hạ tầng và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắt cũng như những bất cập, hạn chế nêu trên; ngày 18/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ngày 08/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013–2020 (gọi tắt là Đề án 896); đến ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện để sớm đưa hệ thống vào khai thác, sử dụng.
Đề án 896 ra đời với mục tiêu là tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính và bảo đảm thống nhất về quản lý dân cư, theo đó, thông tin cơ bản về công dân phải được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký việc tử) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các Bộ, ngành, địa phương được quyền khai thác các thông tin cơ bản về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện Luật căn cước công dân năm 2014, Luật hộ tịch năm 2014 và Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân. Việc tổ chức triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu đã đạt được một số kết quả trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và triển khai thí điểm tại một số địa phương. Nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia, ngày 13/3/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử; được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thể hiện ở những nội dung như sau:
Thứ nhất, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ hai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chặt biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo công tác bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn giữ trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc; làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lập thông tin, giảm chi phi đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.