Sau gần 15 năm được chọn làm xã điểm biên
phòng, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống
người dân nơi đầu sóng ngọn gió không ngừng được nâng cao, tình hình an ninh
chính trị, trật tự an toàn biên giới luôn được đảm bảo.
Duy Hải là xã nghèo bãi ngang ven biển nằm ở
phía Đông của huyện Duy Xuyên, có chiều dài bờ biển gần 7km, hơn 50% người dân
sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Năm 1999, được sự cho phép của Tỉnh
ủy Quảng Nam, Huyện ủy Duy Xuyên xác định Duy Hải là xã trọng điểm vùng biên giới,
quyết tâm xây dựng xã biên phòng vững mạnh trên mọi phương diện. Theo ông Nguyễn
Văn Thống- Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải thì xác định tầm quan trọng đó, thời
gian qua, địa phương tích cực phối hợp với Trạm biên phòng Duy Hải( trước đây
là Trạm biên phòng 260) làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đến các xã ven biển, hướng dẫn cho nhân dân chấp
hành nghiêm chỉnh các quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động ngành nghề
trên biển, duy trì giao ban để nắm bắt tình hình, kịp thời có biện pháp quản
lý, bảo vệ chủ quyền. Theo ông Thống, để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả,
ngoài việc phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tiếp gần 2.000 buổi với sự tham
gia của hơn 20.000 lượt cán bộ và nhân dân, địa phương còn thông qua trạm truyền
thanh của xã thường xuyên phát các văn bản Luật, Nghị
định; các quy định của địa phương về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ
chức và cá nhân ở khu vực này…Đặc biệt, thông qua hình thức sân khấu hóa
các tiểu phẩm về chủ quyền biển, đảo và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, học
tập nghị quyết cho cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân đã tạo nhận thức sâu
rộng trong cộng đồng về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn ngư
trường, quy trình khai thác hải sản, hỗ trợ các điều kiện kể cả hành lang pháp
lý cho ngư dân yên tâm cải hoán tàu thuyền, bám biển.
Theo
tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, xã Duy Hải phối hợp các với ngành liên
quan thành lập 5 tổ đoàn kết khai thác hải trên biển, có 31 phương tiện với gần
130 lao động tham gia và thành lập 1 nghiệp đoàn nghề cá. Dẫn chúng tôi ghé
thăm tổ đoàn kết làm nghề rập ghẹ, Thượng úy Trần Thanh Vinh- Cán bộ Trạm biên
phòng Duy Hải cho biết, mô hình này thực sự phát huy được hiệu quả. Nếu như trước đây, ngư dân hoạt động mang
tính cá nhân, đơn lẻ thì giờ sản xuất theo phương thức tổ, đội tập trung, giúp
đỡ nhau trên biển khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời ,thông tin với nhau về
ngư trường khai thác, thị trường tiêu thụ sản phẩm, rồi giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn,
khó khăn. Nở nụ cười còn mang hơi mặn của biển khơi, ngư dân Đặng Công Danh- Tổ
trưởng tổ đoàn kết làm nghề rập ghẹ chia sẻ: “ Trong quá trình khai thác
trên biển, tàu của tôi hay một số anh em khi bị hỏng máy thì tàu gần nhất phải
có trách nhiệm đến trợ giúp. Ngoài ra, khi gặp tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải
thì chúng tôi liên lạc ngay với Đồn biên phòng, cảnh sát biển để có phương án
trợ giúp. Thông qua những việc làm này, ngư dân chúng tôi càng ý thức được việc
bảo vệ lãnh hải của đất nước không chỉ là lực lượng chức năng trên biển mà hơn
ai hết, mỗi ngư dân là mỗi tai mắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc
gia”.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thống- Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết,
địa phương hiện có 122 phương tiện khai thác hải sản, với tổng công suất
4.509CV, tăng 1.403CV so với năm 2012. Tổng sản lượng khai thác hải sản năm
2013 đạt 5.383 tấn, tăng 7,7% so với năm 2012, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất
toàn ngành Ngư- Nông- Lâm nghiệp đạt hơn 99 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm
2012. Theo ông Thống, từ sản lượng khai thác thủy hải sản tăng hàng năm tạo điều
kiện hình thành nhiều cơ sở chế biến nước mắm. Ông Thống cho biết thêm: “ Năm 2013, địa phương đã sản xuất được
2.520.000 lít nước mắm các loại, chế biến được 729 tấn hải sản khô đủ loại với
tổng giá trị gần 63 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2012. Nhờ vậy, đời sống người
dân Duy Hải không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16%, cơ sở hạ tầng được
đầu tư xây dựng khang trang, tình trạng trẻ em bỏ học giảm đáng kể, các phong
trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát huy…”.
Chỉ
tay về những tuyến đường gắn chi chít bóng điện, ông Nguyễn Quốc Hòa- Trưởng
thôn An Lương cho biết, năm 2012, hưởng ứng phong trào thắp sáng đường quê,
nhân dân trong thôn thống nhất chủ trương đóng góp mỗi hộ 120.000 đồng, kéo 3km
đường dậy điện, lắp đặt hơn 70 cái bóng điện. Ông Hòa khẳng định: “ Nhờ có ánh điện mà tình hình trộm cắp giảm
đi đáng kể, vấn đề về an toàn giao thông được đảm bảo. Người dân ở đây cảm thấy
rất phấn khởi”. Không riêng gì thôn An Lương mà hiện nay, mô hình này được
nhân rộng ra toàn xã Duy Hải. Cứ đêm xuống, đường làng, ngõ xóm sáng rực ánh điện.
Vùng cát trắng đang hồi sinh từng ngày.
Thượng
úy Trần Thanh Vinh- Cán bộ Trạm biên phòng Duy Hải cho biết, 3 năm gần đây, đơn
vị tích cực phối hợp cùng lực lượng công an, quân sự
xã Duy Hải thường xuyên trao đổi, nắm tình hình hoạt động của các loại tội phạm
và những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, kịp thời tham mưu với cấp ủy,
chính quyền địa phương giải quyết, xử lý. Hàng tuần, tổ chức ít nhất 3 đợt tuần
tra dọc tuyến kè An Lương và các khu vực trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân tham gia
bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, bằng việc xây dựng các cụm dân cư an
toàn về an ninh trật tự và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản, lực
lượng dân quân biển. Đặc biệt, thời gian qua, các bên liên quan đã tổ chức nhiều
đợt truy quét tình trạng khai thác hải sản bằng xung điện, thuốc nổ, khai thác
quặng titan trái phép, xử lý 15 vụ gồm 15 đối tượng, góp phần đem lại sự bình
yên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Những
đổi thay ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên là minh chứng cho chủ trương đúng đắn, hợp
ý Đảng lòng dân. Qua đó, người dân phát huy được tinh thần đoàn kết, thi đua
lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần bảo vệ vững
chắc chủ quyền biên giới hải đảo của quốc gia.
Phi Thành