Những cựu tù chính trị nhà lao Hội An vừa có
cuộc hội ngộ tại huyện Duy Xuyên vào cuối tuần qua với nhiều ấn tượng và cảm
xúc khó phai trong lòng mỗi người chiến sỹ cách mạng.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh
ác liệt, bà Trần Thị Hồng Tiên, quê xã Duy Nghĩa sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản
và đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Năm 17 tuổi, bà bị địch giam cầm tại nhà
lao Hội An. Mặc dù chịu đựng những đòn roi tàn bạo, nào là dùi cui, giày đinh,
củi khúc đánh vào người tù coi như súc vật, bắt tù nằm úp xuống co chân lên,
dùng củi khúc đánh vào 2 bàn chân nhưng bà và nhiều chiến sỹ vẫn trung thành với
Đảng, giữ vững lập trường cách mạng. Bà Tiên kể lại: “ Thời gian bị địch bắt tù đầy, người chiến sỹ của mình phải chịu đựng những
hình thức tra tấn hết sức dã man và tàn bạo, trong đó phải nói đến việc bỏ xà
bong vô thùng, rồi nhốt người tù vào trong đó đánh, còn tra điện thì bình thường
rồi”.
Về với buổi họp mặt này, các chiến sĩ cách mạng từng bị địch
bắt, tù đày cùng ôn lại những ngày tháng sống, chiến đấu hào hùng và bi tráng
trong nhà tù đế quốc, cùng tưởng nhớ về những đồng đội đã anh
dũng hy sinh.
Đồng thời, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, niềm vui trong cuộc sống đời
thường. Bác Nguyễn Hữu Bá, quê ở xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn bày tỏ: "Quanh năm lo
làm ăn nên không có dịp tụ họp bạn bè đồng đội. Nghe tin có cuộc gặp mặt này,
chúng tôi ai cũng mong. Tôi phải đi từ sáng sớm cho kịp đó. Gặp lại nhiều bạn
tù ngày xưa, thấy ai cũng còn khỏe vui lắm nên quên hết mệt nhọc...".
Mặc
dù vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên thân thể, đời sống gặp nhiều khó
khăn nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, các cựu tù chính trị nhà lao Hội
An luôn nêu cao khí tiết của người cách mạng, ra sức học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi đua phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm
nghèo, tích cực tham gia phong trào hành động cách mạng ở địa phương, chung tay
xây dựng quê hương giàu mạnh. Đồng chí Nguyễn Đình Nhơn- Trưởng ban liên lạc
cựu tù chính trị nhà lao Hội An nêu rõ khí tiết: “ Dẫu một phần thân thể vẫn còn vết tra nằm chìm sâu bên trong đầy nhức
nhối, nhưng chúng ta phải ngẩng cao đầu, không cam chịu đói nghèo, phải vượt
lên số phận, hỗ trợ nhau làm ăn cải thiện cuộc sống, theo kịp với thời đại đất
nước đổi mới. Chúng ta phải làm gương trong các phong trào quần chúng ở địa
phương, nhắc nhở con cháu không xa vào các tệ nạn xã hội, đóng góp tích cực xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…”
Đồng
chí Nguyễn Duy Quang- Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân
dân huyện bày tỏ tình cảm trân trọng, tự hào về
những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ từng bị địch bắt, tù đày tại nhà lao
Hội An. Tinh thần chiến đấu, sự hy sinh của các đồng chí đã góp phần quan trọng
vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ðó là những tấm gương sáng và là bài học lớn
cho thế hệ mai sau. Đồng thời, thông tin về tình hình phát triển kinh tế- xã
hội, an ninh quốc phòng của huyện nhà trong thời gian qua. Riêng năm 2013, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn,
thị trường và lao động, nhưng các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã nỗ lực khắc
phục, nâng tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ước
đạt 1.774 tỷ đồng, tăng 23,1% so năm trước, tạo điều kiện mở rộng 2 dự án của
Công ty Sendo VinaKo và Hi-Tech, mời gọi và thông qua 2 dự án mới, với tổng mức
đăng ký đầu tư trên 56 tỷ đồng.Lĩnh vực Thương mại- Du lịch
- Dịch vụ đạt 886 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Cạnh đó,
giá trị ngành nông- Lâm- Ngư nghiệp
đạt 442,6 tỷ đồng, tăng 3,88% kế hoạch. Trong năm, huyện Duy Xuyên đã thu hút
gần 230.000 lượt du khách; riêng khách đến Mỹ Sơn đạt 225.435 lượt, tăng 4,5%
so cùng kỳ, trong đó, có 171.693 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt
20,7 tỷ đồng, tăng 67,87% so với năm 2012. Các lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể
dục thể thao ngày càng đi vào chiều và thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tình
hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Có thể nói, buổi họp mặt này đối với những người tù yêu nước vô
cùng ý nghĩa. Không chỉ là thăm hỏi, động viên, sẻ chia vật chất mà còn là dịp
để tri ân những người đã công hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự tồn vong
của dân tộc. Đây cũng là dịp tốt để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự
hy sinh, về tinh thần và ý chí cách mạng của các thế hệ cha ông.
Phi Thành