Những tin nhắn trúng thưởng mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng
để dụ những người nhẹ dạ cả tin.
Từ ngày CA ở các địa phương trên cả nước tiến hành bắt giữ nhiều đối tượng ở TT Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) vì hành vi lừa đảo qua mạng, thì cái TT Nam Phước vốn yên bình này được không ít người đổi tên thành "thủ phủ hacker".
Đánh vào lòng tham
Ông Ba, một lão nông ở thôn Châu Hiệp (TT Nam Phước), nơi có nhiều đối tượng bị CA bắt giữ vì hành vi lừa đảo qua mạng, than thở: "Tôi thấy bọn nó suốt ngày chơi game, nhiều đứa bỏ học sớm, chỉ bằng cái máy tính mà chúng lại lừa nhiều người, lấy được mấy chục triệu. Chẳng hiểu vì sao chúng nó lại tài thế?". Quả thật, những nông dân như ông Ba thì chỉ nghĩ internet đơn giản là các trò chơi giải trí nhưng với những hacker thì đó là "mỏ vàng" để kiếm tiền triệu. Phạm Vũ Nghĩa (1994, trú Phước Mỹ 3, Nam Phước) đang bị tạm giam tại CAH Duy Xuyên để chờ ngày ra tòa vì hành vi lừa đảo qua mạng. "Ai hướng dẫn cách thức lừa đảo qua mạng", chúng tôi hỏi, "Cả nhóm cùng thực hiện, đứa này bày đứa kia cùng làm", Nghĩa trả lời.
Đối tượng Phạm Vũ Nghĩa đang bị tạm giữ tại CA huyện Duy Xuyên về hành vi lừa đảo qua mạng.
Theo hồ sơ vụ án, trong những tháng đầu năm 2015, Nghĩa cùng hai đối tượng khác là Lê Minh Tuấn (1997, trú Duy Sơn, Duy Xuyên) và Thái Bá Tùng (1994, trú TT Nam Phước) đăng trên mạng muaban.net, rao bán xe máy Exciter với giá rẻ. Sau khi nhóm này đăng thông tin trên mạng, anh N.V.G (trú tỉnh Bình Dương), gọi điện liên hệ để mua. Lúc này, nhóm của Tuấn phân công nhau gọi điện để tạo niềm tin cho anh G. và khi biết con mồi đã cắn câu thì lần lượt yêu cầu anh G. cào chuyển thẻ điện thoại và cuối cùng là chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng. Trong phi vụ này, nhóm của Nghĩa lừa lấy của anh G. 12 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi mỗi ngày lừa được bao nhiêu người thì Nghĩa nói: "Dễ gì lừa được người ta anh. Chỉ những người nào ham mua xe giá rẻ mới lừa được thôi".
Nói thế nhưng thật ra nhóm hacker của Nghĩa cũng như nhiều đối tượng khác đã lừa được không ít tiền khi đánh vào lòng tham của những người nhẹ dạ cả tin. Những đối tượng lừa đảo qua mạng thường sử dụng hai thủ đoạn chính để chiếm đoạt tài sản. Thứ nhất, chúng đăng rao bán các tài sản đã qua sử dụng như xe máy hay điện thoại đắt tiền trên các trang mua bán trực tuyến với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Khi có người liên hệ mua, bằng những lời lẽ thuyết phục chúng yêu cầu người mua đặt tiền cọc bằng việc chuyển khoản hoặc thẻ điện thoại. Khi đã chiếm đoạt được tài sản thì chúng cắt đứt liên lạc.
Thủ đoạn thứ hai mà các nhóm hacker ở TT Nam Phước thường dùng là rao tin lừa đảo trúng thưởng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... với những giải thưởng lớn như trúng 100 triệu đồng, xe máy đắt tiền. Các đối tượng này sử dụng sim rác và liên lạc với những người chuyên bán các tên miền để lập web như tenmiensieure.com hay
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
... nhờ lập những web giả để đăng tin rao bán.
Những trang web giả này đăng tải thông tin về sự kiện, phần thưởng và cả hình ảnh những người được trúng thưởng để tạo lòng tin. Khi có người cả tin gọi điện đến để nhận thưởng, nhóm hacker sẽ giả là nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng hướng dẫn việc nhận thưởng. Tiếp theo chúng yêu cầu người bị hại thanh toán các khoản phí nhất định mới có thể nhận được giải thưởng và không ít trường hợp vì mờ mắt bởi giải thưởng bánh vẽ mà bị lừa với số tiền lớn.
Án tù cho hacker
Đối tượng đầu tiên CAH Duy Xuyên bắt giữ vì hành vi lừa đảo qua mạng là Lê Quốc Pháp (1990, trú TT Nam Phước). Dù chỉ mới học hết lớp 9 trường làng, nhưng vào năm 2012, với chiêu lừa trúng thưởng, Pháp đã lừa được 20 triệu đồng, sau đó bị bắt và tòa tuyên 9 tháng tù giam. Vừa ra tù, Pháp tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng và hiện đang bị CA TPHCM bắt giữ. Đại úy Phạm Văn Hiệp, Đội phó Đội điều tra Tổng hợp (CAH Duy Xuyên) cho biết, tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng nở rộ ở Duy Xuyên 2 năm trở lại đây. Các đối tượng là người địa phương và thường tập trung ở các tiệm internet ở TT Nam Phước để thực hiện hành vi lừa đảo, từ đó kéo theo nhiều phức tạp về ANTT.
Trước tình trạng này, CAH Duy Xuyên đã lập chuyên án LĐ-215 để điều tra, bắt giữ những đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, việc điều tra gặp nhiều khó khăn. "Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi nên việc điều tra, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, các đối tượng thường sử dụng sim rác, dùng thẻ chứng minh nhân dân không chính chủ để lập tài khoản ngân hàng, sau khi chiếm đoạt được tài sản của bị hại thì hủy toàn bộ chứng cứ", Đại úy Hiệp nói. Với nỗ lực tấn công tội phạm, trong chuyên án LĐ-215, CAH Duy Xuyên đã khám phá 8 vụ lừa đảo qua mạng, bắt giữ nhiều đối tượng. Cụ thể, đã khởi tố hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Tín (1993, trú xã Duy Sơn), Phan Công Rin (1998, trú xã Duy Phước) khi hai đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt của anh P.V.A (trú Đà Nẵng) hơn 6 triệu đồng.
Tiếp tục mở rộng, CAH bắt giữ thêm các đối tượng gồm Lưu Phong Hải (1994, TT Nam Phước) lừa đảo chiếm đoạt 35 triệu đồng của chị N.T.T (trú tỉnh Quảng Ngãi), Lê Duy Thành (1991, P. Mỹ An, TP Tam Kỳ) chiếm đoạt của chị N.T.Đ (trú TP Hà Nội) hơn 14 triệu đồng, Nguyễn Văn Vũ (1995, trú xã Duy Trinh) chiếm đoạt của chị V.T.G (trú Kon Tum) 15 triệu đồng, Trần Phước Cường (1998, trú TT Nam Phước) chiếm đoạt của chị N.T.H (trú tỉnh Hưng Yên) 10 triệu đồng và Nguyễn Đăng Hòa (1998, xã Duy Phước, Duy Xuyên) lừa của chị N.V.H (trú Thanh Hóa) hơn 14 triệu đồng... TAND H. Duy Xuyên đã đưa ra xét xử vài vụ và tuyên Nguyễn Hữu Tín 12 tháng tù giam, Phan Công Rin 6 tháng tù giam và Nguyễn Đăng Hòa 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, rất nhiều đối tượng khác ở Duy Xuyên đã bị CA các tỉnh, thành phố như TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Trị bắt giữ vì hành vi lừa đảo qua mạng.
Hoàng Anh