40 năm đã trôi qua từ ngày đất nước thống nhất nhưng những nỗi đau
còn lại của chiến tranh vẫn dai dẳng. Có những số phận, những con
người phải mang nỗi đau ấy suốt cuộc đời.
Mảnh đất Duy Xuyên (tỉnh
Quảng Nam) được mệnh danh là xứ sở của lụa ngày nay đã trù phú tươi
đẹp hơn xưa nhưng ít ai biết rằng nơi đây đã từng gánh chịu biết bao
tội ác của bọn tay sai Mỹ - ngụy.
Chuyện cũ đã qua lâu nhưng ông Đoàn Văn Đức (57 tuổi, trú xã Duy
Trinh) vẫn không quên được ngày định mệnh 14-8-1968 đã gây ra cái chết
của 32 người dân vô tội. Ông Đức là một trong hai người còn sống sót
sau vụ thảm sát của lính Hàn Quốc. 7 ngày nằm trong căn hầm với hơn
20 xác người trong đó có xác của mẹ và em trai mình đã trở thành
ký ức đau thương theo ông suốt cuộc đời. Nói về đời mình, ông Đức tâm
niệm rằng ông trời cho mình sống là để kể lại cho con cháu nghe về
tội ác của chiến tranh, để nhắc nhở nỗi đau về hàng triệu người đã
ngã xuống trên mảnh đất này. Cánh tay ông vẫn còn hằn lên hình một
miếng vỏ đạn là dấu ấn không bao giờ nguôi ngoai...
Những năm chiến tranh, làng lụa Duy Trinh là một trong những địa
điểm bị dội bom ác liệt nhất của H. Duy Xuyên bởi nơi đây có nhiều
rừng núi thường là nơi trú ẩn của bộ đội, du kích. Ngày ấy thanh
niên trong làng đều tham gia nghĩa vụ chỉ còn một vài người già, phụ
nữ và trẻ em ở lại. Năm đó, cậu bé Đức vừa tròn 8 tuổi đang sống
cùng mẹ, em trai và ông bà nội. "Tôi còn nhớ lính Hàn Quốc rất
hay đi kiểm tra trong làng. Mỗi lần như vậy chúng thường đánh đập
cướp bóc của những ai chướng tai gai mắt. Sáng hôm đó có một tốp
lính đi ngang qua nhưng không có gì xảy ra. Đến khi tốp thứ 2 thì đột
nhiên một tên phát hiện ra căn hầm nơi gia đình tôi và hàng xóm trú ẩn
thì những điều kinh khủng nhất mới bắt đầu".
Chỉ trong vòng vài phút, căn hầm nhà bà Nguyễn Thị Thiệu là nơi
trú ẩn của 14 người bị bắn súng xối xả. Chưa hết, bọn chúng còn
ném lựu đạn liên tiếp xuống miệng hầm. "Trong chớp mắt xung quanh
tôi toàn là máu. Mẹ và em trai tôi chết ngay bên cạnh. Vì ngày thường
hay chui xuống hầm chơi nên tôi rất thông thạo mọi ngóc ngách. Chúng
ném lựu đạn xuống miệng hầm này thì tôi chạy qua miệng kia, nhờ vậy
mà thoát chết". Sau khi ra tay tàn ác, phát hiện ông Đức và một
người phụ nữ còn sống bọn chúng gọi lên khỏi miệng hầm rồi bắn
chết người phụ nữ kia. "Thấy tôi sợ quá tím tái mặt mày bọn
chúng lại tiếp tục lôi tôi sang xóm Vĩnh An rồi xô xuống một căn hầm
khác có 18 người đang trú ẩn rồi tiếp tục hành vi man rợ cũ. Lần
này tôi bị lựu đạn làm bị thương mê man bất tỉnh nên bọn chúng tưởng
tôi đã chết".
Sau 7 ngày nằm dưới hầm không ăn uống, xung quanh chỉ có xác người
nhưng nhờ có sức mạnh thần kỳ nào đó ông Đức vẫn sống, đến khi bộ
đội vào làng ông mới được cứu. 8 tuổi, tận mắt chứng kiến cái chết
của mẹ và em trai cậu bé Đức trở nên trầm mặc ít nói, sau này cậu
theo cha đến sống nơi khác. "Nhớ thương mẹ lại bị ám ảnh bởi
trận thảm sát không nguôi nên sau này tôi vẫn quyết định về quê cũ
sinh sống", ông Đức cho biết. Hiện nay căn nhà của ông Đức được
xây dựng nằm gần khu mộ tập thể năm xưa...
Đến quê lụa một ngày cuối tháng 3, nắng vàng ươm trải dài trên
cánh đồng lúa xanh rì. Duy Trinh nay đã thay da đổi thịt rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Chiến (Chủ tịch UBND xã Duy Trinh) tự hào: "Đi lên
từ đau thương mất mát nhưng người dân xã Duy Trinh vẫn nỗ lực từng
này. Hiện nay toàn xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn
mới và sẽ được công nhận đạt chuẩn trong năm nay". Cuộc đời của
ông Đức chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện diễn ra trong chiến tranh
trên dải đất hình chữ S đau thương này. 40 năm đã qua đi, nỗi đau đã
nằm lại nhưng cái giá phải trả để có được hòa bình chúng ta vẫn
nhớ mãi không quên.
Hà Dung