Tính đến nay có khoảng 40 thanh, thiếu niên ở huyện Duy Xuyên bị cơ quan công an khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Đây cũng chính là kết cục của sự buông lỏng quản lý, không quan tâm, giáo dục con cái của nhiều bậc phụ huynh.
Từ ngày hai con trai bị bắt về tội lừa đảo qua mạng, bà V.T.B.T đóng kín cửa không tiếp xúc với ai.
Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là gia đình Lê Văn Pháp (SN 1990, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước), đối tượng vừa bị Công an TP.Hồ Chí Minh bắt vào ngày 24.4.2015. Ông L.V.S (SN 1952, cha Pháp) kể, học đến lớp 9 thì Pháp bỏ học. Từ đó, Pháp thường xuyên đến tiệm nét chơi game. Ông S. làm nghề giữ xe đạp, còn vợ ông buôn bán ở chợ nên họ không có thời gian theo dõi, quản lý chặt chẽ con cái. Năm 2011, ông bà nghe hàng xóm bảo Pháp là “hắc” (hacker-PV) và biết Pháp đang có hoạt động phạm pháp nên cũng nhắc nhở con. Tuy nhiên, lời khuyên của cha mẹ đối với Pháp như “nước đổ lá môn”. Hàng ngày, Pháp đeo bám ở các tiệm nét và sử dụng công nghệ cao để lừa đảo những người cả tin. Năm 2012, Pháp bị Công an huyện Duy Xuyên bắt và sau đó thi hành án 1 năm tù giam. Ra tù được 2 tháng thì Pháp lại lao vào “hắc”.
Khi vợ chồng ông S. chưa biết làm cách nào để con trai đoạn tuyệt “hắc” thì đầu năm 2014, Pháp thú nhận với cha mẹ mình đã nghiện ma túy. Từ khi nghiện, thỉnh thoảng Pháp xin tiền cha mẹ để mua thuốc. Không có nhiều tiền nhưng mỗi lần Pháp xin, vợ chồng ông S. cũng cố gắng cho Pháp 50 đến 100 ngàn. Khi không đủ tiền mua thuốc, Pháp mượn xe máy của cha mang đi cầm cố hoặc nói dối mẹ đi tìm việc làm để xin tiền. Bà N.T.T (SN 1955, mẹ Pháp) tâm sự, mỗi lần Pháp về nhà, cả đêm bà thức trắng vì sợ Pháp lên cơn “ngáo đá” có hành vi nguy hiểm. Những tháng ngày qua, vợ chồng bà phải sống trong lo âu, dằn vặt, hối hận bởi không quản lý, giáo dục con ngay từ nhỏ. Khi nghe tin Pháp bị Công an TP.Hồ Chí Minh bắt, vợ chồng bà mong muốn con mình được cải tạo và cai nghiện nhằm làm lại cuộc đời.
Gia đình thứ hai chúng tôi đến là gia đình Nguyễn Thị Phương (SN 1995, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, đồng phạm của Pháp). Ông N.V.L (SN 1968, cha Phương) cho biết, gia đình ông thuộc hộ nghèo của địa phương. Ông làm thợ hồ nên đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà. Bà P.T.Đ (SN 1970), vợ ông thì đau ốm liên miên nên không ai quản lý được Phương, ngay cả cơm ăn, thỉnh thoảng Phương lại sang nhà ông nội gần đó nương nhờ. Chính vì không có sự giáo dục, quản lý sát sao của gia đình nên học xong lớp 12, Phương lao vào tụ tập, đàn đúm với các đối tượng xấu. Thấy Phương ăn diện, nhuộm tóc xanh đỏ, gia đình chỉ nhắc nhở Phương không nên đua đòi chứ không hề biết Phương chơi ở đâu, làm gì. Cho đến khi Phương bị Công an TP.Hồ Chí Minh bắt, vợ chồng ông L. mới biết con mình là tay chân đắc lực của Pháp, can tội lừa đảo. Không những vậy, Phương còn cùng Pháp sử dụng ma túy đá và mang thai với thanh niên này. Ông L. nói trong buồn bã: “Làm thợ hồ cả đời mới tích cóp được 10 triệu đồng, định sửa lại mái nhà bị dột nhưng giờ phải lo cho nó sinh nở. Mong sao nó thức tỉnh được mà đoạn tuyệt với những trò lừa đảo qua mạng này”.
Rời nhà Phương, chúng tôi đến thôn Châu Hiệp (thị trấn Nam Phước), nơi có 9 thanh, thiếu niên vừa bị Công an TP.Hà Nội bắt ngày 11.9.2015. Theo chỉ dẫn của ông Trịnh Văn Lân, công an viên thôn, chúng tôi đến nhà của hai anh em Đoàn Công Thiện (SN 1993) và Văn Phú Trung (SN 1997) nhưng cổng khóa chặt, cửa nhà cũng đóng kín. Một chị hàng xóm giải thích, từ khi các con bị bắt, bà V.T.B.T (SN 1968, mẹ của Thiện và Trung) đóng cửa kín không tiếp xúc với bất kỳ ai. Cách nhà bà T. khoảng 30m, là nhà của đối tượng Nguyễn Bình (SN 1993) cũng đóng kín bưng cửa ngõ. Gần đấy, nhà của đối tượng Lương Công Hưng (SN 1997) cũng có cảnh tượng tương tự.
Việc thanh thiếu niên trên cùng địa bàn lừa đảo dây chuyền không còn là chuyện của cá nhân, gia đình mà cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như các đoàn thể nhằm răn đe, ngăn chặn và hạn chế tội phạm nhí một cách hiệu quả.
PHƯƠNG NAM