Ba mươi tết thực sự là ngày vui nhất của tết dù rằng 30 chưa phải là tết.
Tất bật ngày 29
Năm nào tháng 12 âm lịch không có ngày 30 (tháng thiếu) thì ông bà mình lấy ngày 29 làm ngày 30 tết. Việc “coi như là” này được xem là đương nhiên từ xưa đến nay nhưng để lại trong tôi vài điều đáng nói.
Hồi nhỏ, tôi thấy mưa lạnh ngày 29 tháng Chạp thiếu không làm mọi người lo ngại bằng chuyện ngày hết tết tới rồi mà chưa sắm sửa được gì. Theo ba đi chợ cuối năm, ngồi trên pooc-ba-ga xe đạp, đội vạt sau áo trùm, tôi nhìn những giọt mưa trên nền đường và bùn đất chung quanh vòng quay bánh xe. Tuy vậy, chợ tết chiều ấy qua tưởng tượng mà đường đi đến chợ vẫn ngập tràn hấp dẫn.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ không khí sôi động, hối hả phiên chợ chiều 29 năm nào. Có vài ông săm soi con gà, con vịt dù đã ra khỏi chợ, mấy bà cằn nhằn vì quên mua món gì đó nhớ đến nó hôm mới lập đông. Các chị, các anh thì áo quần, giày dép, hồi ấy chỉ có tết mới sắm sửa một lần, nhà có điều kiện thì đã lo trước rồi, còn mình thì đến chừ mới dư ra ít đồng sắm mới. Chỗ bán bánh mứt, hột dưa, rượu màu, rượu cúng, áo giấy… thật sôi động, hấp dẫn.
Mưa lạnh thì kệ, chợ chiều 29 thực sự là ngày hội cuối năm. Hối hả tất bật, vội vội vàng vàng… Rồi ba tôi cũng ra chợ, xách theo đủ thứ, nói về mau có tối con à! Tôi định hỏi chi đó nhưng sực nhớ đêm nay là giao thừa mà đường về đạp xe hơi lâu đành lon ton leo lên xe. Đường về mưa ít lại, thỉnh thoảng tốc vạt áo mưa nhìn nhà nhà bắt đầu lên đèn, tôi thấy lòng nôn nao khó tả…
Đêm giao thừa 29 tết có cái riêng của nó, cảm nhận của tôi đêm ấy sao không nói được bằng lời, chỉ biết nó rộn ràng trong thiếu thiếu, vui vẻ trong lo lo lắng lắng, háo hức chờ chờ nhưng mong chầm chậm một chút, xuân ơi tết ơi! Ai cũng mong: giá chi có ngày 30 nữa hỉ!
Thong thả ngày 30
Chiều 29 mà ai đó rảnh rỗi để uống rượu thì tôi không bàn nhưng chắc chắn chiều 30 phải có chút men mới vui, mới tết. Chiều ấy, sau khi đã sử dụng quỹ thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa tương đối rồi phải thư giãn một chút gọi là mừng ngày cuối năm tháng Chạp đủ.
Tôi có ông anh làm thơ, nhiều bài rất hay tôi thích, trong đó có bài anh viết về chiều 30 tết. Tôi không có khả năng bình thơ một cách toàn diện, chỉ hiểu thô thiển là ông này chiều cuối năm tháng Chạp đủ ấy rảnh rỗi, lấy rượu uống chơi. Những đoạn đầu của bài thơ nói chi tôi chưa hiểu hết nhưng đoạn cuối như thế này thì tôi cảm được: "Chiều ba mươi rót mươi giọt nắng thầm/ tôi uống cạn say một đời rất thật/ tôi uống cả những gì như đã mất/ chiều ba mươi, tôi uống... chiều ba mươi" (trích "Chiều ba mươi" - thơ Nguyễn Tấn Sỹ).
Chiều 30, thêm một ngày chờ xuân so với năm trước, mà trời lại mươi giọt nắng thầm nữa mới sướng, mới đã làm sao! Đúng là trời chiều lòng người, mấy bữa trước mưa lạnh cuối đông nặng nề u ám, chiều ni nắng ấm ngoài trời rồi đi vào trong lòng. Tôi cố tình hiểu mươi giọt nắng thầm theo nghĩa đen. Với mươi giọt nắng thầm ấy, uống cạn để say một đời rất thật rồi uống luôn những gì đã mất thì… chắc cuộc độc ẩm ni kéo dài hết cả buổi chiều 30. Tôi không biết ý tứ nhà thơ có như vậy không, nhưng kệ, tôi thực sự thích kiểu tôi hiểu về chiều 30 như thế: ung dung trong chờ đợi kiểu cái gì đến sẽ đến; thả lỏng tâm hồn trong thư thái hân hoan trút hết những buồn vui năm cũ. Có phút giây và có cả một buổi chiều như thế nên tôi thực sự thích năm âm lịch có tháng Chạp đủ.
Thôi, chỉ là vui vui mấy dòng vừa qua nhân nhớ đoạn thơ của anh Tấn Sỹ. Thực ra tôi rất cảm ơn tết có ngày 30, ngày mà những gánh rau quê, con gà con vịt đi bộ vườn nhà chăm chút bấy lâu; tàu lá chuối, bó lạt tre gói bánh tét bánh chưng… sẽ mang về cho bà tôi, chị tôi niềm vui sắm được bộ quần áo mới cho các em tôi; sắm thêm chút bánh mứt hạt dưa hay chút thịt thà cho ngày xuân quê nghèo thêm ấm cúng.
Nhà tôi ở gần chợ nửa tỉnh nửa quê, ngày 30 tôi thường thấy các bà các chị ở quê mang đến chợ nhiều thứ thật tươi ngon, bắt mắt: rau xanh, trứng gà, măng tươi, khoai các loại, củ nghệ, củ gừng… trải trên vỉa hè trước nhà. Buôn buôn bán bán, hết hoặc chưa hết hàng thì chiều muộn 30 vẫn vui, vẫn hả hê vì có thêm đồng tiền sắm chút gì đó còn thiếu trong nhà mấy ngày xuân. Các bà, các chị thường nói mà tôi cũng cảm nhận được điều này: tháng Chạp có ngày 30 thì tết mới thực sự là… tết. Ngày 29 tháng thiếu thì quá cập rập, các mùng trong mấy ngày tết cũng vui, cũng hào hứng nhưng không hiểu sao, nhiều người vẫn nhớ, vẫn yêu cái háo hức chiều 30 tết lo mọi chuyện chu đáo để chờ đợi giây phút giao thừa tiễn năm cũ đi, mừng năm mới đến. Thế mới biết, đủ thì vui hơn là thiếu, phải chăng mọi người muốn nói về chuyện đoàn viên gia đình ngày xuân và kể cả chuyện tháng Chạp có ngày 30 tết?
TRẦN NGỌC SƠN