Chiều 21/2- tức Mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng yêu cầu phải bắt tay ngay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Đó là ý kiến chỉ đạo một cách quyết liệt của người đứng đầu cơ quan hành chính trung ương, còn thực tế thì sao?. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đã từ lâu, tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” nữa bởi xã hội bây giờ không còn là xã hội thuần nông như trước đây.
Tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhất bởi nó gắn liền với đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời xa xưa. Và cũng vì lẽ đó mà trong tâm thức dân gian vẫn còn lưu giữ quan niệm: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Nhưng ngày nay, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, đã từ lâu tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi bởi cơ cấu nghề nghiệp bây giờ đã thay đổi rõ rệt, tỉ lệ nông dân ít hơn trước, công nhân viên chức và người làm dịch vụ tăng dần lên.. Mặc dù theo truyền thống, các lễ hội vẫn được duy trì ở các thôn xóm, làng xã, vùng quê, nhưng những lễ hội đó chỉ mang tính mở đầu cho một mùa vụ sản xuất hoặc cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà chứ không nặng tính “hội hè - đình đám” kéo dài như trước. Bởi lẽ đó, nếu dù ngày nay người ta vẫn vui hội nhưng không đến nỗi bỏ bê công việc.
Thứ nữa, ngày nay, người ta làm việc theo dương lịch, chế độ nghỉ lễ tết cũng có quy định rõ ràng, nên không thể duy trì thói quen sinh hoạt nông nghiệp như trước được. Tháng Giêng bởi lẽ đó mà không còn là tháng để “ngụp lặn” trong các hội hè, đình đám. Xã hội văn minh cũng không cho phép người ta sống một mình một kiểu được mà phải sống theo số đông.
Hoàng Thơ