Khu di tích lịch sử
Nước Oa (xã Trà Tân, Bắc Trà My) cuối tuần qua rộn ràng tiếp đoàn khách khá đặc
biệt. Họ là 150 cụ ông, cụ bà cựu chiến binh (CCB) được thế hệ trẻ của xã Duy
Trung (Duy Xuyên) đưa “về nguồn”. Chương trình do Hội CCB xã lần đầu tiên tổ chức.
Đây không đơn thuần là cuộc hành hương nhân kỷ niệm ngày 27.7 mà còn có ý nghĩa
nhiều mặt với thế hệ trẻ hôm nay...
Đoàn CCB xã Duy Trung (Duy Xuyên) thăm Khu di tích Nước Oa. Ảnh: Ngô Phú Thiện
Ông Phạm Sa - Chủ
tịch Hội CCB xã Duy Trung chia sẻ, trải qua chiến tranh, những người con của xã
Duy Trung tham gia chiến đấu còn sống khá đông. Nhưng khi trở về đời thường
tham gia xây dựng đời sống kinh tế, hầu hết họ đều chịu thiệt thòi và rất khó
khăn. Đến khi con cái trưởng thành, nhiều người mong có dịp thăm lại đơn vị,
chiến trường xưa nhưng sức yếu, tuổi già chẳng mấy ai thực hiện được... “Tôi
thay mặt các đồng chí của địa phương tích cực vận động cả chính quyền lẫn con
cháu trong thôn, xã góp kinh phí và công sức để các CCB thực hiện được mong ước
trước khi quá muộn” - ông Sa nói.
Với sự tâm huyết và
sẻ chia tình cảm đồng đội ấy, ông Phạm Sa đã bỏ công sức hơn một tháng trời để
vận động nguồn kinh phí kha khá và phương tiện làm cuộc “hành quân về nguồn”
này. Từ 5 giờ sáng, với băng rôn, cờ xí và gần 200 người già, trẻ cùng háo hức
rời UBND xã Duy Trinh để tiến về Khu di tích lịch sử Nước Oa. Tuy đây là lần tổ
chức đầu tiên và hoàn toàn mang tính tự nguyện, nhưng cuộc “hành quân” của 150
CCB, lãnh đạo chính quyền xã và hơn 30 đoàn viên - thanh niên cùng các hội -
đoàn thể khác diễn ra thật cảm động, hoành tráng và giàu ý nghĩa. Các CCB còn
mang theo các giống cây của Vườn ươm cây giống Duy Trung để đưa lên trồng lưu
niệm trong khu di tích. Mô hình vườn ươm này cũng chính là sáng kiến của CCB
xã.
Hôm ấy khu vực cụm di
tích Nước Oa trời mưa có phần nặng hạt nhưng cũng không ngăn được nhiệt thành
và tình cảm thiêng liêng hiện rõ trên khuôn mặt những CCB đã chai sạm cùng năm
tháng. Từ khu tưởng niệm An ninh khu 5 vào đến vườn lưu niệm - nơi làm việc của
các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Võ Thứ khá xa, và dù phải lội bộ vì
đường đang sửa chữa, nhưng mọi người đều hăng hái “hành quân”. Đến nơi đã 11
giờ trưa, ai cũng thấm mệt, nhưng không khí háo hức vẫn không hề suy giảm. Bởi,
đây là lần đầu tiên các CCB được mục kích nơi sống và làm việc của các vị lãnh
đạo Khu ủy và Quân khu 5 thời chống Mỹ. Sau khi tham quan khắp nơi, các CCB gọi
nhau mang “cây nhà lá vườn” đã đem theo ra trồng trong vườn cây lưu niệm.
Lúc kim đồng hồ chỉ
12 giờ trưa, cả đoàn dừng chân ở Khu lưu niệm Ban tổ chức Khu 5 ăn trưa và
chuẩn bị cho “lễ về nguồn”. Bắt đầu buổi lễ, mọi hoạt động trở nên trang
nghiêm, bề thế như lễ xuất quân năm nào của đoàn quân ra trận. Cũng dựng cờ Tổ
quốc, băng rôn; cũng hương hoa nghi thức và bài “báo công” xúc động của đại
diện Hội CCB trên điểm cao căn cứ Nước Oa. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn nhưng rất
trang nghiêm và giàu ý nghĩa. Lớp đoàn viên - thanh niên “hộ tống” đoàn CCB hôm
ấy cảm nhận được giá trị của hòa bình và càng thêm tự hào về thế hệ cha anh
mình. Đây cũng là một trong những mục đích, ý nghĩa mà Hội CCB xã Duy Trung
mong muốn đạt được khi tổ chức hành trình này.
Sau khi viếng thăm,
dâng hương tại 5 cụm di tích ở căn cứ Nước Oa, trời đã ngả bóng chiều, sức khỏe
có phần suy giảm nhưng các CCB vẫn thuyết phục Trưởng đoàn Phạm Sa đưa xuống
viếng thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ. Nhiều người bảo đây là cơ
hội “chỉ có một” với họ, vì nay đã già yếu và hoàn cảnh neo đơn. Trưởng đoàn bị
“đả thông” kéo dài lịch trình, mọi người reo hò phấn khích. Có người bảo: “Tui
mấy khi được đi thế này. Đi, để đến khi nhắm mắt còn nhớ được hình ảnh Mẹ Việt
Nam anh hùng quê mình!”.
Quả thực, người viết
đã tham gia không ít những chuyến “về nguồn”, nhưng có lẽ đây là lần đầu “ngộ”
ra cái nghĩa thiêng liêng của người lính một thời...
NGÔ PHÚ THIỆN